10/25/2018

Sự thật vụ việc: Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng

Vào ngày hôm hôm qua thì trên khắp cộng đồng mạng từ báo chí chính thống đến các lều báo xuyên tạc, kể cả fan page của bọn phản động chia sẻ đường link từ một số báo về vụ việc gây chú ý “Đổi 100 USD tại tiệm vàng, bị phạt 90 triệu đồng”. Hôm nay thì Công an T.P Cần Thơ đã có trả lời về vụ việc này.

Công an Cần Thơ: Không ‘gài bẫy’ vụ đổi 100 USD để phạt tiệm vàng

Trước câu hỏi có hay không chuyện dàn dựng để bắt quả tang tiệm vàng trong vụ đổi 100 USD, Công an TP Cần Thơ nói “không gài bẫy”.
Chiều 24/10, Công an TP Cần Thơ họp báo thông tin vụ phạt ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, quận Ninh Kiều) 90 triệu đồng vì đổi 100 USD tại tiệm vàng.
Trả lời câu hỏi trước hoài nghi ông Rê là “mồi nhử” để bắt quả tang tiệm vàng, thượng tá Trần Văn Dương – Trưởng phòng tham mưu, kiêm người phát ngôn Công an TP Cần Thơ nói: “Tôi chưa tiếp cận hồ sơ nhưng những gì được báo cáo thì công an làm đúng luật. Nếu có việc gài bẫy thì công an phạt ông Rê 90 triệu để làm gì?”.
Theo thượng tá Dương, trưa 30/1, Phòng cảnh sát kinh tế bắt quả tang ông Lê Hồng Lực – Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (chủ tiệm vàng ) – đang mua 100 USD của Rê với giá 2.260.000 đồng. Tiệm vàng này không có giấy phép thu mua ngoại tệ.

Tiệm vàng Thảo Lực – nơi thợ điện bị bắt quả tang đổi 100 USD. Ảnh: Cửu Long.
Quá trình xác minh, chủ tiệm vàng và ông Rê đã thừa nhận hành vi sai phạm. Căn cứ vào Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Công an TP Cần Thơ đã tham mưu UBND TP ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Rê và doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Rê bị phạt 90 triệu đồng, tịch thu hơn 2 triệu đồng (quy đổi từ 100 USD) về hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.
Tiệm vàng bị xử phạt 295 triệu đồng. Trong đó, 180 triệu đồng về hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; 70 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 15 triệu đồng do sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định; 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương và 19.910 viên đá hột nhân tạo, có giá trị gần 550 triệu đồng.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với khách hàng và công ty thu đổi USD trái quy định vừa được Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam ký.
Chủ tiệm vàng: Kim cương bị tịch thu là tài sản riêng của gia đình
Theo Lê Hồng Lực – chủ tiệm vàng – khi bị bắt quả tang đổi 100 USD cho ông Rê, cảnh sát nói có tố giác gia đình ông kinh doanh ngoại tệ nên khám xét nhà, thu giữ số kim cương, đá nhân tạo với lý do “không có chứng từ, nhãn mác bằng tiếng nước ngoài…”.
Chủ tiệm vàng cho biết số kim cương là tài sản riêng của gia đình nên không có hóa đơn, được cất trong tủ; không trưng bày bán vẫn bị giữ và tịch thu. Tuy nhiên, khi có quyết định xử phạt sau 9 tháng bị bắt quả tang, doanh nghiệp của ông đã chấp hành.
Theo ông Lực, tháng 6/2017, Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ cũng đến đọc lệnh khám nhà ông và tạm giữ một số vàng trắng vì nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, sau đó ông bị phạt 8,5 triệu đồng.
Thượng tá Dương khẳng định, việc khám xét tại tiệm vàng ngay lúc bắt quả tang đổi 100 USD trái phép là hợp lý; có lệnh khám xét do Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký.
“Đến nay, ông Lực đã thừa nhận hành vi vi phạm, đã chấp hành đóng phạt. Còn nếu ông không bằng lòng với bất cứ điều khoản nào hoặc bất cứ vấn đề gì trong vụ việc này thì có quyền khiếu nại”, người phát ngôn Công an Cần Thơ nói.
Người đổi 100 USD có thể xin miễn, giảm phạt 90 triệu đồng
Chiều cùng ngày, Công an TP Cần Thơ đã chuyển quyết định xử phạt 90 triệu đồng cho ông Nguyễn Cà Rê về hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Hiện ông Rê chưa nộp phạt.
Công an TP Cần Thơ rằng, nếu ông Rê có hoàn cảnh khó khăn thì làm đơn gửi UBND TP Cần Thơ xem xét giải quyết theo quy định. Bởi, căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính, tổ chức và cá nhân vi phạm có thể thực hiện các yêu cầu để giảm nhẹ việc nộp phạt như: đề nghị tiền nộp phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 hoặc đề nghị hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76, hay đề nghị giảm, miễn tiền phạt theo Điều 77.
Người phát ngôn Công an TP Cần Thơ cho biết sẽ báo cáo Bộ Công an xem xét, có kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định 96/2014 đối với mức xử phạt người vi phạm, như trường hợp của ông Rê.
Điểm a, khoản 3, điều 24 Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nêu rõ: phạt 80 – 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ. Điểm b, khoản 3, điều 3 quy định Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Điểm a, khoản 8, điều 24 áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm.

Đại biểu Quốc hội: ‘Đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng’ là đúng

Theo các đại biểu Quốc hội, việc đổi ngoại tệ tại tiệm vàng vi phạm quy định quản lý về ngoại hối nên “việc phạt là đúng”.
Ngày 23/10, chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội liên quan tới việc Nguyễn Cà Rê (Cầu Thơ) bị phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD tại tiệm vàng, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, hành vi mua bán ngoại tệ của ông Rê là trái pháp luật, và việc UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt là đúng.
“Người dân vi phạm quy định pháp luật phải xử lý còn hình thức, cách thức như thế nào để kết hợp giữa tính giáo dục và tính nghiêm minh của pháp luật thì cần cân nhắc”, ông Kiên nói.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói thêm, trong vụ việc này, nếu có sự tham gia ngay từ ban đầu của cơ quan chuyên môn là Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Cần Thơ sẽ tốt hơn. Cơ quan có thẩm quyền cũng cần rút kinh nghiệm trong tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan tới tiền tệ.
“Chúng ta cứ quen hay nói với nhau vì tình hay lỗi như thế làm gì đến mức phạt đó, hoặc người dân có thói quen… Nhưng tôi cho rằng không nên nói vậy, bởi khi xây dựng một Nhà nước pháp quyền phải hoạt động theo luật”, ông Kiên nêu rõ.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Võ Hải

Tương tự, ông Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng cho rằng, theo quy định pháp luật, dù mua bán 10 USD hay 100 USD tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt.
“Việc cá nhân đổi ngoại tệ với nhau không nói làm gì, nhưng đây là cửa hàng kinh doanh vàng bạc nên phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về việc cấm mua bán ngoại tệ khi không được phép”, ông Cường nói.
Đại biểu TP Hà Nội nhấn mạnh, thành công của chúng ta trong việc quản lý tỷ giá ngoại hối, nhất là tỷ giá USD thời gian qua chính nhờ việc quản lý mua bán ngoại tệ, không để đôla hóa.
Cách đây vài ngày, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã đổi 100 USD tại một tiệm vàng. Ông Rê, đồng thời, cũng bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được.
Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý. Do đó, hành vi của ông Rê, được xem là vi phạm pháp luật và áp theo khung xử phạt hành chính, theo Nghị định 96/2014, từ 80 đến 100 triệu đồng.
HQ