5/29/2019

“Tình Bác sáng đời ta”

“Tình Bác sáng đời ta” không chỉ là tên một ca khúc kinh điển mà còn là tiếng lòng của muôn triệu trái tim Việt Nam với Bác Hồ kính yêu. Bằng tình cảm thiêng liêng, nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã viết nên những giai điệu đẹp về Bác Hồ. Các nhạc sĩ quê hương Cần Thơ cũng vậy, tự hào với những khúc ca về Bác.
Một tiết mục ca ngợi Bác Hồ do Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ biểu diễn. 
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) quê ở Ô Môn, Cần Thơ, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1969-1976), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc Hội (1976-1986), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật… Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, vị nhạc sĩ tài hoa người Cần Thơ để lại hàng trăm ca khúc, nhạc kịch… giá trị, trong đó có những ca khúc đề tài ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sau này được gọi là “Lãnh tụ ca”, là thể loại chính ca hào hùng. Nhạc sĩ Dân Huyền thuật lại lời kể của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước rằng, ca khúc này được sáng tác năm 1947 và đến năm 1950 thì Bác Hồ đã nghe tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ I tại Chiến khu Việt Bắc. Sau đó, qua lời đề nghị của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, ca khúc này đã được nhà văn Nguyễn Đình Thi chỉnh sửa lại phần lời như hiện nay (lời 1). Năm 1951, bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” được cất vang trong Đại hội liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới lần thứ III giữa lòng thủ đô nước Đức. Đến sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), nhạc sĩ Lưu Hữu Phước soạn thêm lời 2, lời 3. Nhiều năm qua, khi đến lúc Đài Tiếng nói Việt Nam báo giờ, những giai điệu mở đầu của “Lãnh tụ ca” lại vang lên réo gọi: “Sao vàng phất phới ánh hồng sáng tươi. Toàn Việt Nam đón chào ngày mới”. Với ca từ giản dị, giai điệu chậm vừa, trang nghiêm, ca khúc đã đi vào bao thế hệ người yêu nhạc, trở thành “Lãnh tụ ca” của nước Việt Nam.
Với “Tình Bác sáng đời ta”, lời của Long Hưng - Minh Tuyền, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã gửi gắm tấm lòng của muôn triệu trái tim Việt Nam với Bác kính yêu: “Người đi xa vắng, tiếng của Người còn đây. Tình Người bao la sáng soi cuộc đời ta hằng ngày”, hay: “Ôi thiêng liêng tiếng Bác nghe như lời Tổ quốc…”. Giai điệu trân trọng, tha thiết và ấm lòng, “Tình Bác sáng đời ta” đã quen thuộc với bao thế hệ người dân Việt Nam. Ngoài ra, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn sáng tác rất nhiều ca khúc hay về Bác Hồ. Đơn cử như chùm ca khúc thiếu nhi viết cho nhạc kịch “Chúc thọ Bác Hồ” nhân dịp Bác Hồ tròn 60 tuổi - năm 1950 với “Em viết tên Bác Hồ”, “Em vẽ hình ảnh Bác Hồ”.
Cũng là người con quê hương Ô Môn, Cần Thơ, nhạc sĩ Trần Kiết Tường nổi danh với những ca khúc vận dụng dân ca vào giai điệu như “Anh Ba Hưng”, “Áo bà ba”… Trong đó, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” là ca khúc để đời của vị nhạc sĩ gốc Tây Đô. Hay biết bao những giai điệu đẹp: “Tôi hát ngàn lời ca. Nồng nàn hơn nắng ban mai. Đẹp tình hơn cánh hoa mai. Hùng thiêng hơn núi sông dài. Là một niềm tin Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người!”. Điều đặc biệt nhất là ca khúc này được mở đầu bằng mấy câu hò, cảm tác từ điệu hò Cần Thơ. Chi tiết này chính người viết đã được nghe nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại. Chuyện là đầu thập niên 1980, khi nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về Cần Thơ sưu tầm dân ca để thực hiện công trình “Dân ca Hậu Giang”, đã gặp và nghe bà Thái Ngọc Lang (thời điểm đó đã 81 tuổi), mẹ ruột nhạc sĩ Trần Kiết Tường, hò, hát dân ca. Chính điệu hò Cần Thơ trứ danh: “Hò ơ, sao Vua chín cái, sao Bánh Lái nằm chồng…” mà Trần Kiết Tường nghe mẹ hò từ thuở nhỏ đã tạo cảm hứng cho ông viết một ca khúc hay về Bác Hồ.
Với bao thế hệ trẻ Việt Nam, ca khúc “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” như một khúc tráng ca thúc giục tuổi trẻ Việt Nam sống đẹp, sống có ích, sống hiến dâng cho Tổ quốc. Đó còn là sự cảm nhận sâu sắc về Bác Hồ kính yêu: “Hồ Chí Minh công ơn của Bác như biển trời. Tình Người ấm trong tim ta trên đường tranh đấu”. Tác giả của ca khúc này chính là nhạc sĩ Triều Dâng, cũng là một người con của quê hương Ô Môn,  Cần Thơ. Bằng giai điệu hành khúc và cảm xúc dâng tràn trong từng ca từ, nhạc sĩ Triều Dâng đã giúp tuổi trẻ vun bồi lý tưởng cách mạng và lòng yêu kính Bác Hồ nhiều hơn.
Cần Thơ, vùng đất mệnh danh là “Tây Đô”, là “Cầm Thi Giang” với truyền thống văn hóa, nghệ thuật lâu đời. Những nghệ sĩ quê hương Cần Thơ, trong đó có các nhạc sĩ nổi danh như Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Triều Dâng… đã góp khúc ca để tấm gương, đạo đức và những di sản quý báu mà Bác Hồ để lại cho dân tộc mãi trường tồn.
Yêu Bác, lòng lại dặn lòng: “Vì đất nước ta ra đi xây đời hạnh phúc. Cho mai sau thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong”... như ca từ trong “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” vậy.
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh
Nguồn: baocantho.com.vn

Du lịch Cần Thơ phát triển

Đến năm 2020, du lịch thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng chuyên nghiệp với các dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, bền vững. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Trên cơ sở này, năm 2019 đánh dấu bước chuyển mình của ngành công nghiệp không khói. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, có cuộc trao đổi với Báo Cần Thơ:
Thời gian qua, Cần Thơ mở nhiều tuyến bay quốc tế và nội địa. Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc mở các đường bay này đối với ngành du lịch Cần Thơ? 
- Tính đến nay, Cần Thơ đã có 11 tuyến bay thẳng đến các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, trong đó phải kể 2 tuyến quốc tế đến Thái Lan và Malaysia. So với năm 2018, số lượng đường bay đã tăng từ 2-3 lần. Sau khi có thêm các đường bay, thì lượng hành khách đi bằng đường hàng không tăng so với trước, ước khoảng 25%. Việc gia tăng chuyến với nhiều điểm đến, cũng như đa dạng dịch vụ của các hãng bay giúp cho du khách có thêm nhiều lựa chọn. Mặt khác, đây cũng là  điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trong nước và quốc tế vào Cần Thơ,  các tỉnh ĐBSCL. Thực tế, Cần Thơ  được xem là trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, giáo dục đào tạo, y tế… của vùng ĐBSCL. Nơi đây tập trung đa dạng cơ sở lưu trú du lịch, vui chơi giải trí và ẩm thực với hơn 275 cơ sở lưu trú và hơn 7.100 phòng nghỉ, nhiều nhà hàng, hội trường có sức chứa trên 1.000 khách... Với nhiều loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; làng nghề truyền thống và ẩm thực, các loại hình dịch vụ và vui chơi giải trí đa dạng, Cần Thơ vì thế trở thành điểm trung chuyển, kết nối đưa khách đến các tỉnh, thành ĐBSCL.
Việc các đường bay mới đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch trong nước. Năm 2019, các tỉnh, thành phố ĐBSCL sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua việc tham gia các sự kiện, hội chợ lớn về du lịch. Dự kiến năm 2019, các tỉnh, thành phố ĐBSCL sẽ tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch tại TP Hồ Chí Minh và đặc biệt là thị trường phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên…; và ngoài nước: Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản…
Cần Thơ đang nghiên cứu đề xuất triển khai mô hình du lịch thông minh nhằm tạo sự tiện lợi và thu hút sự quan tâm của du khách. Ông có thể cho biết thêm thông tin về mô hình này, thưa ông?
- Hiện nay, trong Dự thảo xây dựng Đề án Đô thị thông minh của thành phố, có lĩnh vực du lịch thông minh. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, VNPT Cần Thơ, nghiên cứu đề xuất triển khai thử nghiệm “Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động”. Việc đầu tư thí điểm sẽ do VNPT Cần Thơ triển khai thực hiện và đảm bảo về kinh phí, nhân lực. Dự kiến thời gian triển khai thí điểm là 6 tháng, bắt đầu vào quý 3 năm 2019.
Trong định hướng quy hoạch của Cần Thơ, du lịch đường sông là loại hình đang được chú trọng. Vậy Cần Thơ có những kế hoạch, đề án gì liên quan đến loại hình du lịch này, thưa ông?
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ đưa đề án phát triển du lịch đường sông vào đề tài khoa học công nghệ cấp thành phố. Sau đó, Viện Kinh tế - Xã hội thành phố phối hợp Trường Đại học Cần Thơ viết đề án, dự kiến trong tháng 7-2019 sẽ hoàn thành, nghiệm thu. Đây là cơ sở khoa học để thành phố triển khai các đề án, kế hoạch phát triển du lịch đường sông trong thời gian tới, tập trung ở các quận, huyện: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp UBND quận Cái Răng triển khai thực hiện đề án Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, nhằm thúc đẩy du lịch đường sông phát triển bền vững… Ngành cũng tham mưu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các sản phẩm đường sông, như tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2019.   
Trong năm 2019, Cần Thơ sẽ tổ chức một sự kiện rất đáng quan tâm là Hội chợ Du lịch Quốc tế. Ngành du lịch thành phố kỳ vọng gì ở sự kiện này, thưa ông?
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với TP Cần Thơ tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Cần Thơ 2019. Đây là lần đầu tiên sự kiện chuyên ngành và có quy mô lớn được tổ chức tại Cần Thơ, góp phần quan trọng cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp vùng ĐBSCL, các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch trong và ngoài nước quảng bá điểm đến, giới thiệu và cung cấp thông tin về sản phẩm du lịch đến doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, sự kiện cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, ký kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường phát triển du lịch.
Hội chợ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 29-11 đến 1-12, tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ (108A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), có chủ đề “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước”. Sự kiện sẽ có trên 250 gian hàng gồm: các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các trung tâm xúc tiến du lịch ở các tỉnh, thành… Các hoạt động đa dạng, như: quảng bá, xúc tiến, giới thiệu mua, bán sản phẩm du lịch; liên hoan ẩm thực quốc tế; diễn đàn về phát triển du lịch ĐBSCL, các cuộc hội thảo và biểu diễn văn nghệ truyền thống Việt Nam và quốc tế…
Từ thành công của sự kiện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng sự kiện sẽ diễn ra tốt đẹp và tạo được hiệu ứng lan tỏa cho ngành du lịch Cần Thơ và ĐBSCL. Từ đó xây dựng nên thương hiệu VITM Cần Thơ, dần trở thành sự kiện du lịch tiêu biểu hàng năm của khu vực ĐBSCL.
Xin cảm ơn ông!

ÁI LAM (Thực hiện)
Nguồn: baocantho.com.vn

5/23/2019

Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2019

Ngày 19-5, tại huyện Thới Lai, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng chủ trì lễ phát động hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2019 trên địa bàn TP Cần Thơ nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019)

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng tham gia trồng cây xanh tại huyện Thới Lai.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các cháu thiếu niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân huyện Thới Lai nói riêng và toàn thành phố nói chung tích cực hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đặc biệt là tập trung cho cao điểm “Tuần lễ trồng cây nhớ ơn Bác” nhằm lan tỏa trong cộng đồng, trở thành hoạt động rộng khắp từ các tuyến đường giao thông đến trụ sở các cơ quan, trường học, bệnh viện, các xóm ấp, khu dân cư… góp phần tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường để TP Cần Thơ ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cũng kêu gọi toàn thể nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2019 với chủ đề “Cấp nước an toàn vì sức khỏe cộng đồng”. Hưởng ứng phong trào xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom xử lý rác thải, sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước… Đồng thời, duy trì các hoạt động này thường xuyên, tạo thành thói quen tốt trong việc sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường sống một cách có hiệu quả, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
Dịp này, các đại biểu dự lễ đã ra quân trồng 100 cây xanh (cây sao)  trên tuyến đường nối từ thị trấn Thới Lai đến UBND xã Trường Thắng. Số cây xanh này do Chi cục Kiểm lâm TP Cần Thơ phối hợp các đơn vị liên quan vận động đóng góp từ nguồn xã hội hóa.
Mùa xuân năm 1959, Bác Hồ phát động “Tết trồng cây” và từ đó đến nay, phong trào Tết trồng cây đã trở thành một hoạt động thường xuyên và phát triển mạnh mẽ, sâu rộng đến từng địa phương, từng thôn xóm. Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta và đã mang lại nhiều kết quả to lớn, góp phần giữ đất rừng, tích cực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường hằng năm (từ ngày 29-4 đến 6-5) do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998 được các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng, giúp đạt những kết quả khích lệ về cấp nước và vệ sinh, góp phần thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn. Chủ đề của Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2019 là “Cấp nước an toàn vì sức khỏe cộng đồng”.

Báo Cần Thơ

Khánh thành Cầu Vàm Cống, điểm kết nối giao thông khu vực Trung tâm Đồng bằng Sông Cửu Long

Sáng ngày 19/5, tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND TP. Cần Thơ, UBND tỉnh Đồng Tháp và Ngân hàng Eximbank Hàn Quốc đã tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống sau hơn 5 năm xây dựng, với tổng mức đầu tư hơn 5.687 tỷ đồng (271 triệu đô) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Cầu Vàm CốngBuổi lễ có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các nhà thầu thi công Hàn Quốc, các cơ quan báo đài đến đưa tin và đông đảo người dân tham dự, chứng kiến.
Khởi công vào tháng 9/2013, Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối liền quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) là dự án thành phần 3 thuộc Dự án kết nối khu vực Trung tâm Đồng bằng Mê KôngCầu Vàm Cống có chiều dài 2,97km và đường dẫn dài 5,88 km, được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Trụ tháp chính hình chữ H cao 143,9m, mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m, bao gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ; đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với tốc độ thiết kế 80km/h. 
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống khẳng định, việc khánh thành và thông xe Cầu Vàm Cống là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Sau cầu Cần Thơ, nay có thêm cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố và các tỉnh ĐBSCL. 
Nhân dịp này, Chủ tịch Thống cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc, Chính phủ Australia, các ngân hàng phía bạn, các nhà thầu thi công, những công nhân ngành cầu đường Việt Nam, Hàn Quốc và sự ủng hộ của người dân để cầu Vàm Cống hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đồng thời, ông Thống khẳng định, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT để khai thác công trình ngày càng an toàn và hiệu quả.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, nhấn mạnh tầm quan trọng của Giao thông vận tải trong việc phát triển kinh tế. Ông cho biết vùng ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Mặc dù nhà nước đã tập trung nhiều nguồn vốn, triển khai trong nhiều nhiệm kỳ cho vùng nhưng phải khẳng định đến nay, giao thông vẫn là điểm nghẽn. Do đó, Cầu Vàm Cống khánh thành và đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL.
Bộ trưởng khẳng định cầu Vàm Cống có một vi trí chiến lược quan trọng khi cầu nằm trong trục giao thông xuyên Đồng Tháp Mười, kết nối với TP. Hồ Chí Minh qua Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau tạo nên một mắc xích trên đường Hồ Chí Minh. Sự xuất hiện của cầu Vàm Cống sẽ góp phần thu hút đầu tư, đem lại động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đảm bảo an ninh - quốc phòng của các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Đồng thời, người dân trong vùng sẽ không còn chịu cảnh lụy phà, điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ thuận tiện hơn, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Để phát huy cầu Vàm Cống và tuyến đường Hồ Chí Minh nói chung, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tham mưu, kiến nghị Quốc Hội, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc triển khai thêm một số công trình kết nối cho tuyến đường này với nguồn kinh phí đến từ tiền tiết kiệm của cầu Vàm Cống (khoảng hơn 1.000 tỉ đồng). Đồng thời, Bộ GTVT đã và đang khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng để sớm khởi công tuyến tránh thành phố Long Xuyên để kết nối vào cầu Vàm Cống, đảm bảo hiệu quả tuyến đường này.

Hoàng Đạt


5/14/2019

Hồi ức không quên về mùa xuân đại thắng của người lính Biệt động Tây Đô

Hồi ức không quên về mùa xuân đại thắng của người lính Biệt động Tây Đô
14:38 - 30/04/2019
(TGCT) Cách đây 44 năm (ngày 30/4/1975), lịch sử dân tộc đã in một mốc son chói lọi khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch thắng lợi vẻ vang, miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức hào hùng của dân tộc, xúc cảm về ngày vui đại thắng của những người lính hỏa cảm ở vùng đất Tây Đô cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Đại tá Võ Tấn Dũng (bên trái), nguyên Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên
Đại đội Biệt động 824 - Tiểu đoàn Tây Đô hồi tưởng về năm tháng
ở chiến trường gian lao mà anh dũng kiên cường.
“Vỡ òa” vì tin mừng chiến thắng
Thật không dễ để phác họa lại một hành trình đầy gian khó và những hy sinh to lớn, nhưng vô cùng vẻ vang, của người lính Bộ đội Cụ Hồ, những chiến sỹ của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Là người con ưu tú của vùng đất Tây Đô, ngay lần gặp đầu tiên, tôi cảm nhận được sự chân thành và bình dị của Đại tá Võ Tấn Dũng (chú Tư), nguyên Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên Đại đội Biệt động 824 - Tiểu đoàn Tây Đô, là người lính tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Tây Đô. 44 năm đi qua với bao đổi thay trên khắp mọi miền đất nước, song khí thế của ngày toàn thắng vẫn mãi khắc mãi trong tâm trí của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, hỏa cảm.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, chàng thanh niên trẻ Võ Tấn Dũng nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc hăng hái lên đường bảo vệ đất nước. Năm 1965, chú Tư học Trường Bổ túc Công nông Tây Đô (huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ cũ). Đến năm 1968, nhập ngũ tại Tiểu đoàn Tây Đô. Sau đó, do nhu cầu của cuộc chiến, chú Tư được điều động về Đội Biệt động Thành đội Cần Thơ vào năm 1969.
Nhớ lại ngày giải phóng, những chiến sỹ là người lính Biệt động năm nào vui mừng khôn siết, cảnh “nằm gai nếm mật”, sống – chết như trở bàn tay không còn nữa. Chú Tư nhớ lại, hồi đó lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, khi cái radio phát bản tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện lúc ấy trong lòng vui mừng khó tả, không nói nên lời ba chữ “Giải phóng rồi”! Tất cả các đồng đội đứng yên như  “chết lặng”, liết mắt nhìn nhau không nói nên lời bởi cảm xúc dạt dào hân hoan trong niềm vui sướng, những người đồng đội kề vai chiến đấu cứ lần lược ôm nhau rồi khóc, khóc vì vui mừng, khóc vì niềm vui đại thắng.
Cảm giác vui mừng vì được tận mắt chứng kiến ngày giải phóng, được góp một phần nhỏ bé vào công cuộc vĩ đại của dân tộc, giải phóng đất nước đã thật sự đến. Chú Tư kể, đêm hôm đó Cần Thơ có loạt tiếng súng nổ “vang trời” để mừng chiến thắng, để rồi từ đó không còn tiếng súng nữa. Hôm sau, ngày đầu chiến thắng ở đất Tây Đô yên bình lạ thường, người dân phấn khởi đổ xô ra đường đón chào Quân Giải phóng.
Lạ thay, vẫn là cái loa phát thanh như thường nhật thì nay đã được “đổi chủ”. Tuy vậy, cũng chính trong lúc này, lòng chú Tư lại bồn chồn, chợt buồn man mát khi chứng kiến ngày vui đại thắng, bổng chạnh lòng tưởng nhớ về người cha đã hy sinh, người chị bị bắt bỏ tù ở Khám Lớn, người mẹ bị giặc làm khó đành phải ly hương. Những đồng đội, đồng bào yêu nước đã hy sinh máu thịt để hòa bình được lập lại. “Lẽ ra ngày chiến thắng của dân tộc được quây quần bên gia đình, chung niềm vui cùng đồng đội thì hay biết mấy” – Nói đến đây chú Tư ngắt lời và vội vàng lau nước mắt.
Tập ảnh được chú Tư cùng các công sự thực hiện suốt 9 năm
​​​​​​​để lưu giữ lại hình ảnh của những người lính Biệt động Tây Đô.
Nhớ mãi tình đồng đội
Vẫn theo lời kể của chú Tư, lúc ở chiến trường, tuy thiếu thốn trăm bề, hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt nhưng các anh em sống chết có nhau, được “đa số” đồng bào đùm bọc, chở che. Khi được điều động về Đội Biệt động Thành đội, chú Tư nhận lệnh chiến đấu độc lập đứng vững vùng ven hỗ trợ cho phong trào đấu tranh Chính trị nội ô thành phố (một trong ba vùng chiến lược của Đảng gồm: Vùng đồi núi; vùng nông thôn, đồng bằng và vùng đô thị), những tháng năm cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường sẵn sàng mất mát, hy sinh để đối lấy hòa bình vẫn còn nhớ mãi.
Kỷ niệm thời chiến thì có nhiều, những chuyện đói, rét, bệnh tật, phải chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Ấy vậy mà đối với những người lính Biệt động năm nào thì ký ức đẹp nhất chính là những năm tháng được chiến đấu cùng đồng đội nghĩa tình với khát khao được đoàn viên gia đình, thống nhất đất nước.
Bồi hồi xúc động nhớ về những giây phút vinh quang khi cùng đồng đội lập nên những chiến công rồi xúc động nhớ về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh. “Hồi còn chiến đấu, đồng đội mỗi người mỗi cảnh, Chú còn nhớ có đồng đội tên là Liệt, do nhớ gia đình nên ý định sẽ về rời khỏi chiến trường. Lúc đó Chú choàng tay vào người đồng đội và nói rằng, “Không lẽ anh bỏ tôi và các đồng đội vậy sao”! Cũng chính vì câu nói, hành động chân thành ấy đã níu giữ một người đồng đội ở lại. Nhưng tiếc thay, người đồng đội năm đó cũng đã anh dũng hy sinh oanh liệt ngay tại chiến trường”, chú Tư xúc động kể.
Đối với những chiến sỹ mãi mãi nằm lại tại chiến trường, họ không có cơ hội để kể lại những ký ức của một thời gian lao mà anh dũng. Thậm chí họ còn chưa được tìm thấy hoặc chỉ là những nấm mồ vô danh. Những người chiến sỹ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ấy đi vào hồi ức dân tộc Việt Nam như một bản “Thiên trường ca” không thể nào quên.
Giờ đây, ngay trong cảnh thời bình, chú Tư được sống chan hòa trong tình cảm của người thân, bạn bè nhưng ngay cả trong giấc mơ chú Tư cũng nhớ về đồng đội và ngày giải phóng. Qua đó, mong muốn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để có nơi tưởng niệm các chiến sỹ Biệt động Tây Đô đã về với “đất mẹ”. “Tôi mơ ước làm sao có một căn nhà lưu niệm khắc họa hình ảnh lực lượng Biệt động Cần Thơ để tỏa lòng biết ơn sâu sắc, tri ân những chiến sỹ anh hùng đã mãi mãi nằm xuống trong chiến đấu. Qua đó, để giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay, khơi dậy lòng tự hào, những chiến công vẻ vang của dân tộc”, chú Tư bày tỏ.
44 năm đã qua đi, nhưng những giây phút thiêng liêng của mùa xuân lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính từng dành cả tuổi xuân góp phần cho nền độc lập, thống nhất đất nước. Đó không chỉ là sự hồi tưởng về chiến thắng vang dội của ý chí, sự quật cường của dân tộc mà còn là sự tri ân với những người đồng đội đã anh dũng hy sinh.
Bài, ảnh: Tâm An