Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ mất an ninh trật tự (ANTT) tại các trạm thu phí BOT. Ðiển hình như vụ việc ở Trạm thu phí BOT Cai Lậy, hay mới đây là ở Trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
Trước những vấn đề "nóng" trên, Bộ Công an vừa tổ chức cuộc họp, làm việc với Công an một số đơn vị, địa phương về công tác bảo đảm ANTT, an toàn giao thông tại các Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT. Mục tiêu đặt ra nhằm bảo đảm ANTT tại cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, niềm tin của người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi sử dụng dịch vụ đường bộ, ngăn chặn các hành vi phá hoại, gây rối tại các trạm thu phí.
Theo đánh giá của Bộ Công an, những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã quan tâm, đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng nhiều tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại bằng hình thức huy động vốn, trong đó có hình thức BOT. Nhờ đó, hạ tầng giao thông thời gian qua có những cải thiện đáng kể. Toàn quốc hiện có hơn 80 dự án BOT giao thông. Ðây là chủ trương, chính sách đúng đắn, cần thiết, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tại nhiều trạm thu phí BOT xảy ra hiện tượng lái xe dùng tiền lẻ để trả tiền mua vé, dừng xe ngay trước ba-ri-e của trạm thu phí, gây ùn tắc giao thông hoặc có hành vi gây cản trở người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến ANTT. Qua điều tra, lực lượng công an phát hiện nhiều đối tượng đã sử dụng tài khoản Facebook để đăng tải những đoạn phim, chia sẻ những bình luận mang tính kích động, phản đối chính quyền. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này còn đứng ra hô hào các lái xe thu gom tiền lẻ, nhằm gây khó cho lực lượng quản lý ở các trạm thu phí BOT.
Trước tình hình trên, công an các địa phương đã chủ động nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, lái xe chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước. Chủ động xây dựng triển khai thực hiện phương án bảo đảm ANTT tại khu vực đặt trạm thu phí BOT. Bố trí lực lượng ứng trực, củng cố chứng cứ xử lý đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đối tượng manh động tại các trạm. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông ứng trực để phân luồng, điều hòa giao thông. Chủ động phối hợp công an các địa phương trong giải quyết tình hình, điều tiết từ xa, phòng ngừa ùn tắc, đồng thời kiến nghị chủ doanh nghiệp BOT có phương án xả trạm khi xảy ra tình huống ùn tắc giao thông.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Công an khẳng định, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn xã hội theo hình thức BOT đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế trong đó có hạ tầng giao thông là vô cùng cần thiết; là chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước để hiện đại hóa, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông. Trong thời gian tới, công an các đơn vị, địa phương cần chủ động nắm chắc tình hình, có các phương án xử lý bảo đảm tốt ANTT tại các trạm thu phí BOT trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về trách nhiệm, nhiệm vụ tham gia bảo vệ ANTT, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Chủ động cung cấp thông tin chính thống để định hướng tư tưởng, nhận thức, dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Kịp thời đấu tranh phản bác, có hiệu quả các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có chủ trương, chính sách thực hiện các dự án BOT giao thông. Từ đó chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước.
NGỌC QUỲNH (Nhân Dân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét