9/07/2018

Thất bại đã được báo trước

Mục tiêu kêu gọi “Tổng biểu tình” trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay của các thế lực thù địch, bọn phản động trong và ngoài nước đã bị thất bại. Bởi tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác của nhân dân và sự chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng Công an.
Hàng ngàn cổ động viên có mặt tại SVĐ Mỹ Đình để cổ vũ Đoàn thể thao Việt Nam (nguồn internet)
Trong khi người dân cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9 thì vẫn có không ít đối tượng phản động, cơ hội chính trị, thành phần bất mãn, nhất là những anh hùng “dân chủ bàn phím” có những hoạt động đi ngược lại niềm vui của dân tộc. Khi chúng tìm cách kích động, kêu gọi người dân xuống đường “Tổng biểu tình” với những lời lẽ mĩ miều nhân danh tự do, dân chủ, nhân quyền; xuyên tạc, bóp méo một cách trắng trợn làm cho một bộ phận người dân nhận thức sai lệch về dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng.
Các đối tượng kêu gọi “Tổng biểu tình” nhằm tạo ra sự kiện mang màu sắc chính trị như chúng đã thực hiện vào những ngày đầu tháng 6/2018 tại Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… . Ý đồ mà chúng vẽ ra ở đây là sử dụng “nội công, ngoại kích” có sự phối hợp nhịp nhàng, có tổ chức giữa các đối tượng phản động, chống đối chính trị, cơ hội, bất mãn, cực đoan ở trong nước, kết hợp với sự hỗ trợ, hậu thuẫn, tác động của các tổ chức phản động, đối tượng chống đối cực đoan ở nước ngoài. Mục tiêu của chúng là lấy mốc sự kiện ngày 2/9 nhằm tạo ra một “cuộc cách mạng tháng Tám lần thứ hai”. Kịch bản của chúng là tuyên truyền, kêu gọi, kích động biểu tình trên mạng internet, ghi lời kêu gọi biểu tình trên các tờ tiền có mệnh giá thấp, kết hợp với việc hướng dẫn thực hiện các hành vi như tụ tập đông người làm tắc nghẽn giao thông, gây tê liệt toàn thành phố, thậm chí chúng còn mạnh động chuẩn bị mìn, kíp nổ để phá cầu đường, chiếm trụ sở chính quyền… thành bạo loạn chính trị theo mô hình “cách mạng đường phố”, “cách mạng màu” như đã từng xảy ra các nước Ả rập ở Trung Đông, Bắc Phi và một số nước thuộc Liên Xô cũ. Mưu đồ hết sức thâm độc và sâu xa của các thế lực thù địch nhằm chà đạp, phủ nhận giá trị lịch sử thiêng liêng của ngày Quốc khánh 2/9. Ngày mà cách đây 73 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nhân dân đã hết sức cảnh giác, không mắc mưu của các thế lực thù địch và phần tử xấu một lần nữa. Bởi người dân đã thấm thía và nhận thức sâu sắc bài học từ các vụ bạo loạn trong tháng 6 vừa qua ở Bình Thuận. Người dân đã thấy rõ việc tham gia hoạt động biểu tình là hành vi bất hợp pháp. Nên một khi tình hình ANTT mất ổn định, thì hệ quả tất yếu là cuộc sống, sinh hoạt sẽ bị đảo lộn và chính họ là người gánh chịu hậu quả đầu tiên. Mặt khác người dân đã nhận diện rõ bản chất phản động, lợi dụng danh nghĩa biểu tình đòi tự do, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch và bọn phản động nên đã không nghe, không làm theo lời kích động, xúi giục mà chúng rêu rao. Đặc biệt trong thời điểm trước thềm Quốc khánh 2/9, Đoàn thể thao Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tích, nhất là thành tích vang dội của đội bóng đá nam Olimpic tại ASIAD18 tổ chức tại Jakakta, Indonesia khi lọt vào 4 đội mạnh nhất đã khơi nguồn và thắp lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào với màu cờ sắc áo đã thôi thúc hàng triệu trái tim người hâm mộ cả nước hòa vào niềm vui chung trong ngày Tết Độc lập của dân tộc mà nói không với lời kêu gọi “Tổng biểu tình”.
Rộn ràng lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Ảnh: Nguyễn Chiến
Không chỉ riêng trong dịp Quốc khánh 2/9 mà trong những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước công tác đảm bảo ANTT bao giờ cũng được lực lượng Công an thắt chặt, tăng cường. Từ kết quả đấu tranh với các đối tượng thực hiện các hành vi kích động, phá hoại trong thời gian vừa qua ở các tỉnh phía Nam, cơ quan Công an đã phát hiện hoạt động tuyển chọn, móc nối, cài cắm cơ sở nội địa, cung cấp tài chính để tiến hành hoạt động tuyên truyền kêu gọi biểu tình, bạo loạn, khủng bố, phá hoại của các tổ chức phản động như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Triều đại Việt… . Nắm bắt được âm mưu, ý đồ hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và bọn phản động trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, lực lượng Công an đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động chào mừng các sự kiện và cuộc sống bình yên của nhân dân. Lực lượng Công an các địa phương trong cả nước đã bắt 05 đối tượng âm mưu đưa vũ khí vào trong nước nhằm tổ chức khủng bố, phá hoại hoặc biên soạn, tán phát tài liệu, kích động, kêu gọi biểu tình trên internet. Điển hình là ngày 29/8, Công an tỉnh Bình Định bắt giữ Lê Quốc Bình (SN1974, thường trú tại TP Quy Nhơn, Bình Định) từ Campuchia vượt biên về nước mang theo 09 khẩu súng, 500 viên đạn các loại và nhiều tài liệu có nội dung phản động nhằm hoạt động khủng bố, phá hoại. Ngoài ra, ngày 1/9, Công an TP Cần Thơ và Công an tỉnh Vĩnh Long bắt giữ 03 đối tượng là Đoàn Khánh Vinh Quang (SN1976); Bùi Mạnh Đồng (SN1978) đều trú tại Cần Thơ về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông và Nguyễn Ngọc Ánh (SN1980, HKTT Phụng Xá, Thạch Thất, TP Hà Nội) về hành vi “Làm, tàng trữ, tán phát, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt nam” theo quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự. Ngày 4/9, Công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ Huỳnh Trương Ca (SN1971, trú ở xã Thường Phước 2, Hồng Ngự, Đồng Tháp) về hành vi “Sử dụng mạng xã hội youtube, facebook, cá nhân đăng tải nội dung bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam”. Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, lực lượng Công an đã ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả âm mưu, ý đồ hoạt động phá hoại nên trong dịp Quốc khánh 2/9, tình hình ANTT trên phạm vi cả nước đảm bảo, không có bất trắc xảy ra. Người dân cả nước vui tươi, thoải mái tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng ngày Quốc khánh.
Lời thú nhận thất bại trên trang mạng phản động
Khi nhận thấy rõ dấu hiệu kích động “Tổng biểu tình” thất bại, các nhà dân chủ rởm lại tự an ủi, động viên nhau “Thất bại là mẹ của thành công”, cào bàn phím chửi đổng vài câu rồi im bặt. Thế nên những ai quay lưng, phản bội lại lợi ích của dân tộc chắc chắn đón nhận thất bại như một lẽ tất yếu. Âm mưu, ý đồ xấu xa, thâm độc của các thế lực thù địch và bọn phản động sẽ bị nhân dân tẩy chay và các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại từ trong trứng nước.
 Võ Thắng (Công an tỉnh Quảng Bình)

9/05/2018

Trưởng ban Quản lý dự án cao tốc hơn 34 nghìn tỷ đồng nói về hình ảnh "bê tông cốt chuối"

Hình ảnh một đoạn hành lang thuộc dự án đường cao tốc có "bê tông cốt chuối" đang được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng công trình.

Trưởng ban Quản lý dự án cao tốc hơn 34 nghìn tỷ đồng nói về hình ảnh "bê tông cốt chuối"
Đoạn bê tông có cốt chuối gây xôn xao dư luận
Ngày 4/9, trên nhiều trang mạng xã hội Facebook chia sẻ hình ảnh "bê tông cốt chuối" được cho là thuộc dự án đường cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng vừa được khánh thành thông xe vào ngày 2/9 vừa qua.
Theo chia sẻ từ mạng xã hội, hình ảnh trên được chụp lại từ một đoạn lan can bảo vệ của tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên tại miền Trung với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.640 triệu USD (tương đương hơn 34.500 tỷ đồng).
Trong ảnh là một đoạn hành lang bảo vệ được sơn màu trắng. Cốt lõi của đoạn lan can có một ống nhựa màu cam được bịt kín bằng túi ni lông. Đặc biệt, bên trong đoạn bê tông còn có một lượng lớn thân chuối.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng, thừa nhận hình ảnh đang lan truyền trên các trang mạng xã hội thuộc dự án. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định đó không phải là "bê tông cốt chuối" như thông tin lan truyền và không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
"Hình ảnh đó đã hơn một tháng, vào khoảng giữa tháng 8, thuộc phần lan can bê tông của đường cao tốc.
Tôi khẳng định nó không ảnh hưởng gì đến chất lượng bê tông cũng như công trình cả", ông Thành nhấn mạnh.
Trưởng ban Quản lý dự án cao tốc hơn 34 nghìn tỷ đồng nói về hình ảnh bê tông cốt chuối - Ảnh 1.
Vị trí có "bê tông cốt chuối" là hộp kỹ thuật
Theo ông Thành, vị trí được chụp ảnh và đang lan truyền trên mạng là hộp kỹ thuận nằm trên lan can cầu. Hộp này khi hoàn thành sẽ được làm bằng thép. Dây màu cam trong hình là dây cáp điện luồn vào đó và sau khi hoàn thiện sẽ đấu nối với trụ đèn.
"Bình thường thì vị trí này dùng cái gì cũng được miễn là tạo được khoảng trống. Bởi vi nếu đổ đặc thì sau đó phải đục rất tốn công, làm nứt vết bê tông lân cận. Do vậy trong quá trình đổ bê tông thì nhà thầu có thể dùng gỗ, xốp hoặc chuối.
Nói chuối thì nó không liên quan đến xây dựng lắm nhưng nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chất lượng bê tông xung quanh cả. 
Đơn vị giám sát thi công khi nghiệm thu thì sẽ nghiệm thu khoảng trống hình học chứ không ảnh hưởng gì cả", ông Thành nói.
Trưởng Ban quản lý dự án đường Quảng Ngãi – Đà Nẵng cung cho biết trên toàn tuyến có rất nhiều hộp kỹ thuật. Tuy vậy, số lượng hộp sử dụng chuối trong thi công là không nhiều.
"Tôi cũng đã nhắc nhở các nhà thầu là để như thế kiểu gì cũng bị chụp ảnh không hay nhưng mà trong nghề thì đó không ảnh hưởng gì cả, không ảnh hưởng đến bê tông.
Vị trí này thường dùng nhất là gỗ hoặc là xốp nhưng ta có thể dùng chuối vẫn không vấn đề gì cả", ông Thành khẳng định.
theo Trí Thức Trẻ

9/04/2018

Sự hù dọa quá nực cười về kinh tế Việt Nam

Mới đây, một vài người được gắn mác “chuyên gia” đăng đàn ở một cơ quan truyền thông nước ngoài với cách đưa thông tin sai trái, phiến diện, thiếu thiện chí về Việt Nam, nhận định rằng: Nền kinh tế Việt Nam đã suy thoái năm thứ 10 liên tiếp.

Rằng đang có một làn sóng tháo chạy khỏi nền kinh tế Việt Nam: Nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, người dân thì chuyển hết tiền ra nước ngoài. Các “chuyên gia” trên cho rằng, lý do là vì nhà đầu tư nước ngoài và người dân đã mất hết niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam. Từ đó họ hù dọa: Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, siêu lạm phát và vỡ nợ... Nực cười thay, những nhận định nêu trên trái ngược hoàn toàn với thực tế đất nước và những dự báo lạc quan của các ngân hàng, các tổ chức tài chính, tổ chức nghiên cứu thị trường, các tờ báo uy tín trên thế giới đánh giá về kinh tế Việt Nam.      
Chính sách hiệu quả giúp kinh tế Việt Nam vượt lên
Trang mạng Bluenotes.anz.com ngày 26-8 đăng bài phân tích của ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á thuộc Ngân hàng ANZ (Ngân  hàng Australia và New Zealand) cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 6,8% trong hai năm 2018 và 2019. Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục được duy trì nhờ lĩnh vực công nghiệp nhộn nhịp và các cơ sở sản xuất liên tục được mở rộng dựa trên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông Khoon Goh cho rằng, các nước trong khu vực bắt đầu nhận thấy ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, mà ví dụ rõ nhất là các đơn hàng xuất khẩu cũng như chỉ số quản lý thu mua của ngành sản xuất (PMI) đã bị cắt giảm. Tuy nhiên, Việt Nam dường như nằm ngoài xu hướng của khu vực. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam vẫn vững chắc và thậm chí còn giành được các đơn hàng xuất khẩu mới. Nhìn chung, thương mại toàn cầu đang gặp thách thức vì chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. Tuy nhiên, so với các nước khác, Việt Nam có thể bị tác động ít hơn.
Trước đó, nhật báo The Peninsula Qatar của Qatar ngày 12-8 có bài viết “Việt Nam nổi lên thành “con hổ” kinh tế mới của châu Á”. Bài báo trích dẫn đánh giá của Ngân hàng trung ương Qatar (QNB) khẳng định rằng, con hổ mới nhất của châu Á hiện nay là Việt Nam, với những số liệu cập nhật cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh trong năm 2018, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các chuyên gia của QNB phân tích một loạt chỉ số và kết luận nền kinh tế Việt Nam đang phát triển bùng nổ, với GDP trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn đầu với mức sản lượng trong 6 tháng đầu năm tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo các nhà phân tích của QNB, sự bùng nổ trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam khiến xuất khẩu tăng vọt. Xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm 2018 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức 17% của cả năm 2017.
Thành công của công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu đạt được là nhờ khả năng của Việt Nam trong thu hút các dòng vốn lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang bùng nổ với giá trị ước tính đạt 13 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Nhận thấy Việt Nam là môi trường đầu tư đầy thuận lợi nên các công ty công nghệ trên thế giới cũng đang đổ vốn với tốc độ rất nhanh vào Việt Nam. Theo Báo The Economist, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 17 tỷ USD với những nhà máy sản xuất gần 1/3 lượng sản phẩm của tập đoàn này trên toàn cầu. Hiện nay, ước tính trong số 10 chiếc điện thoại thông minh trên thế giới thì sẽ có một chiếc có xuất xứ từ Việt Nam.
Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN.
Nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia thuộc Viện Brookings tại Mỹ nhấn mạnh rằng khả năng xây dựng trên những nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam là thông qua các chính sách hiệu quả, thực sự làm cho Việt Nam vượt hơn hẳn các nước khác.
Những nhận định trên hoàn toàn đúng với nhận định của các tổ chức kinh tế, tài chính uy tín nhất trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện. WB dự báo mức tăng GDP năm 2018 của Việt Nam là 6,8%. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên. Thậm chí, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) rất lạc quan, dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1%. Trong khi đó, với các quốc gia Đông Nam Á, ADB lại cho rằng, tăng trưởng chung có thể chỉ đạt 5,2% cho cả năm 2018 và 2019. 
Áp lực lạm phát chưa đáng kể         
Một vài người được gọi là "chuyên gia" đã cố thổi phồng các nguy cơ lạm phát tại Việt Nam, rồi so sánh với các nước siêu lạm phát hàng triệu % trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 8-2018 tăng 2,59% so với tháng 12-2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 sẽ không tăng quá 4%, theo đúng chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Như thế, mức tăng CPI của Việt Nam vẫn ở trong giới hạn an toàn. 
Ông Maxfield Brown, chuyên gia cao cấp của Công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình lạm phát của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay thì lạm phát cao vẫn chưa xảy ra”. Bà Marie Diron, Giám đốc điều hành của Công ty tài chính Moody Investors Service tại Singpore cũng khẳng định: “Hiện tại, áp lực lạm phát của kinh tế Việt Nam là chưa đáng kể.”
Mức độ tín nhiệm quốc gia ngày càng cải thiện
Hiện nay, các định chế tài chính và các ngân hàng trên thế giới đều có cái nhìn lạc quan về nền kinh tế Việt Nam. Với mức tăng trưởng kinh tế tới 7,08% trong 6 tháng đầu năm 2018, nền kinh tế Việt Nam rất hấp dẫn và các định chế tài chính, ngân hàng quốc tế sẵn sàng cho Chính phủ cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam vay vốn.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đánh giá cao tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam thời gian qua, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công/GDP đã giảm xuống. Theo ông Tekehiko Nakao, Việt Nam đã tiếp cận được nhiều nguồn vốn quốc tế và ADB vui mừng được cung cấp các khoản vay cho Việt Nam.
Trong cuộc gặp hồi tháng 6-2018 với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ tịch WB, bà Victoria Kwakwa đánh giá rất cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa cho biết WB đang nghiên cứu để giúp các tập đoàn lớn của Việt Nam có thể vay vốn của WB mà không phải đáp ứng các điều kiện như khi quốc gia vay. Bà Kwakwa mong muốn sẽ tạo điều kiện để Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố khác của Việt Nam cũng tiếp cận được vốn của WB.
Trên thế giới có 3 công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực đánh giá xếp hạng tín nhiệm tín dụng (gọi là Big Three, chiếm 95% thị phần xếp hạng tín dụng trên thế giới) là: Moody’s, Fitch Ratings và Standard&Poor. Khi các "ông lớn" này đánh sụt hạng mức tín nhiệm của quốc gia hay doanh nghiệp nào thì các tổ chức tín dụng lớn trên thế giới sẽ hạn chế cho đối tượng đó vay hoặc thậm chí không cho vay nếu có thứ hạng thấp. Khi quốc gia bị đánh sụt hạng mức tín nhiệm thì việc mượn nợ quốc tế bằng phát hành trái phiếu chính phủ cũng khó thực hiện do nhà đầu tư quay lưng. Vì đơn giản, khi bị đánh sụt hạng mức tín nhiệm thì quốc gia đó bị xếp vào loại khó trả nợ.
Trong thời gian qua, không phải một mà rất nhiều tổ chức có uy tín trên thế giới đều đánh giá tích cực về xếp hạng tín nhiệm nợ của Việt Nam. Cụ thể, mới nhất, ngày 10-8, Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ B1 lên Ba3 và thay đổi triển vọng từ "ổn định" sang "tích cực". Theo thông báo của Moody’s, việc nâng hạng lên Ba3 dựa trên nhận định về tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, được thúc đẩy nhờ sử dụng ngày càng hiệu quả lao động và vốn trong nền kinh tế. Kỳ hạn trái phiếu chính phủ dài và sự giảm phụ thuộc vào nợ nước ngoài cho thấy sự ổn định của kinh tế Việt Nam và gánh nặng nợ giảm dần. Cấu trúc nợ chính phủ của Việt Nam cũng giúp hạn chế ảnh hưởng từ các cú sốc tài chính.
Moody’s cũng bày tỏ lạc quan về quá trình xử lý nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam, nhất là việc trích lập dự phòng đối với trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Moody’s nhận xét một số ngân hàng Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong xử lý nợ xấu và cho rằng đây là một điểm tích cực đối với tín nhiệm của ngành ngân hàng bởi quá trình này giúp cải thiện chất lượng tài sản và tháo gỡ rào cản đối với lợi nhuận của ngân hàng.
Trước đó, cuối tháng 5-2018, Fitch Ratings (Mỹ) cũng thông báo nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam từ mức “BB-” lên “BB” với triển vọng “ổn định”. Hãng xếp hạng này cũng nhận xét khả năng hấp thụ sốc từ bên ngoài của Việt Nam đã được cải thiện, thể hiện ở việc dự trữ ngoại hối tăng từ 37 tỷ USD cuối năm 2016 lên 49 tỷ USD năm 2017, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, nhờ dòng vốn vào mạnh và thặng dư tài khoản vãng lai. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào khoảng hơn 11 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên khoảng 63,5 tỷ USD.
Fitch cũng nhận xét, mức cải thiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam có được nhờ cơ chế ngoại hối linh hoạt. Fitch dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 66 tỷ USD vào cuối năm 2018, tương đương 3,1 tháng nhập nhẩu.
Bên cạnh đó, Fitch nhận xét dòng vốn vào mạnh và khả năng tích lũy đã giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng tăng. Điều này được thể hiện ở việc lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm giảm khoảng 150 điểm cơ bản kể từ cuối năm 2017 xuống 2,6% hiện nay. Fitch cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thực hiện cam kết duy trì mức nợ công và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Fitch ước tính tổng nợ chính phủ giảm về 52,4% GDP năm 2017 từ mức 53,4% năm 2016, trong khi nợ chính phủ bảo lãnh giảm về 9% GDP vào cuối năm 2017 từ mức 10,3% cuối năm 2016. Nhờ đó, nợ công của Việt Nam giảm còn 61,4% GDP cuối năm 2017 từ mức 63,6% cuối năm 2016, và dưới mức trần 65% GDP. Việc tỷ lệ nợ công hạ là nhờ nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa.
Theo ước tính của Fitch, nợ chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm và về dưới mức 50% GDP vào năm 2019, nhờ nguồn thu từ chương trình cổ phần hóa. Tổ chức này cũng dự báo thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ giảm về mức 4,6% trong năm 2018 từ mức 4,7% năm 2017. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2018 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phấn đấu giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước năm 2018 là dưới 3,7% GDP, năm 2019 là khoảng 3,6%.
Mức sống người dân tăng nhanh
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, rất ấn tượng với sức mua của người dân Việt Nam. “Tại Hà Nội, chúng ta thấy các trung tâm mua sắm như Aeon Mall, Royal City và Lotte có rất đông các gia đình vào dịp cuối tuần. Các gia đình trung lưu hiện nay có thời gian và tiền bạc cho các hoạt động giải trí”, ông Ousmane Dione đánh giá.
Nghiên cứu của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) chỉ ra rằng, tầng lớp trung lưu đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam. Theo đó, tầng lớp trung và thượng lưu với mức thu nhập từ 714USD/tháng trở lên ở Việt Nam tăng lên mức 33 triệu người trong thời gian 2014-2020. Trong khi đó, Công ty nghiên cứu thị trường Nielson ước tính, dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020 và 95 triệu người vào năm 2030.
Thêm minh chứng cho mức sống tăng lên khá nhanh của người dân Việt Nam, Solidiance-công ty tư vấn chiến lược hàng đầu tại châu Á, giai đoạn 2012-2016, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng trưởng nhanh nhất khối ASEAN. Nếu tính riêng quãng 2015-2016, Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ ô tô đạt tăng trưởng 36%, trong khi Indonesia chỉ tăng nhẹ 5%, Thái Lan giảm 4% và Malaysia giảm 13%.      
Với tất cả những thực tế đó của kinh tế Việt Nam, có thể thấy những cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ kinh tế, về siêu lạm phát, về vỡ nợ, về một cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư, về việc người dân khủng hoảng niềm tin... là những nhận xét hết sức phi lý, không khách quan của những người thiếu thiện chí, những kẻ cơ hội chính trị khi đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam. Những cố gắng bôi nhọ tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam theo kiểu đó chỉ làm cho những người tham gia tự biến mình trở thành những người hàm hồ, không đáng tin.
HỒ QUANG PHƯƠNG (Báo QĐND)

Không để các phần tử xấu lôi kéo kích động

Trong những năm qua, các cấp CĐ đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho NLĐ.

CNLĐ tìm hiểu Luật BHXH trong lần Tổng LĐLĐVN tổ chức “Ngày hội tư vấn cùng CNLĐ” tại Cty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (tỉnh Phú Phọ) mới đây. Ảnh: QUẾ CHI
CNLĐ tìm hiểu Luật BHXH trong lần Tổng LĐLĐVN tổ chức “Ngày hội tư vấn cùng CNLĐ” tại Cty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (tỉnh Phú Phọ) mới đây. Ảnh: QUẾ CHI
Qua đó nhiều đoàn viên, NLĐ đã hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN; nâng cao kiến thức pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình cũng như chọn cách hành động đúng đắn, không để các phần tử xấu lôi kéo, kích động, tham gia tụ tập đông người gây mất trật tự an ninh và an toàn xã hội tại địa phương, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập, đời sống của chính CNLĐ.
Kịp thời giải quyết những nổi cộm từ cơ sở
Trong những năm qua, LĐLĐ huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã triển khai nhiều cách làm hay, đồng bộ để tăng cường hiểu biết pháp luật của đoàn viên, CNLĐ. Hằng năm, LĐLĐ huyện đã tổ chức và phối hợp với các đơn vị tổ chức các đợt tuyên truyền, tư vấn chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của NLĐ; triển khai kịp thời các văn bản mới, văn bản sửa đổi về luật. Cùng với đó, hằng năm, các cấp CĐ trong huyện tổ chức tuyên truyền cho trên 5.000 lượt lao động (LĐ) tham gia học tập, trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp luật của Nhà nước như: Hiến pháp 2013, Bộ luật Lao động (2012), Luật CĐ (2012), Luật BHXH, Luật BHTN trong CNLĐ.
Theo ông Hà Lương Tuấn - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đoan Hùng, hình thức tuyên truyền được các cấp CĐ trong huyện lựa chọn phù hợp với từng loại hình CĐCS, sát hợp từng loại đối tượng CNVCLĐ trong đó phát huy tốt hình thức tuyên truyền miệng, hỗ trợ pháp lý, tư vấn trực tiếp, đối thoại, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hội thi, giải đố câu hỏi pháp luật. Những nội dung tuyên truyền đến NLĐ luôn thiết thực, cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. LĐLĐ huyện đã chỉ đạo các CĐCS thường xuyên kiện toàn mạng lưới thông tin viên, tuyên truyền viên để phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, uốn nắn những biểu hiện sai lệch về tư tưởng đạo đức và lối sống của NLĐ.
Còn tại Quảng Ninh, thực hiện đề án phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2016-2020, LĐLĐ tỉnh đã kết hợp tuyên truyền với tư vấn pháp luật lưu động tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân (CN). Ông Trần Danh Chức - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh - cho biết, LĐLĐ tỉnh không tổ chức tuyên truyền bằng hình thức triệu tập vì không phải lúc nào DN cũng tạo điều kiện, cũng như phương thức truyền đạt một chiều có nhiều hạn chế. Thay vào đó, LĐLĐ tỉnh chủ trì tổ chức các buổi tư vấn pháp luật, kết hợp giải đáp những vướng mắc, bất cập tại cơ sở. “Cứ DN nào tập trung đông CN, nhạy cảm về QHLĐ thì chúng tôi đến. Theo đó, CĐ phối hợp với ngành LĐTBXH, BHXH để tư vấn, giải đáp cho CN chính sách pháp luật trong lĩnh vực BHXH, CĐ, ATVSLĐ. Với những vấn đề bất cập, sát sườn mà CN hỏi, đội tư vấn pháp luật lưu động sẽ trả lời luôn. Có những vấn đề sau đó được trả lời bằng văn bản, yêu cầu DN thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Tính riêng trong năm 2017, đã có trên 30.000 CNLĐ được tư vấn qua hình thức này” - ông Chức cho biết.
Trách nhiệm rất lớn của tổ chức CĐ
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó ban Tuyên giáo (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, đặc điểm hiện nay của CNLĐ, nhất là CNLĐ trong các KCN-KCX hầu hết xuất thân từ nông thôn, không qua đào tạo bài bản cả về chuyên môn, tay nghề, pháp luật. Trong khi đó, DN nếu có đào tạo cũng chỉ trong 2-3 tuần, thành ra CN là những người thiếu mọi thứ, trong đó có ý thức pháp luật cũng như ý thức chính trị. Khi vào làm việc, họ phải theo ca kíp, kết thúc công việc là lại trở về nhà trọ nên rất thiếu thốn thông tin chính thống (từ báo chí, truyền hình); những hiểu biết về quyền, trách nhiệm của mình. Hơn thế nữa, trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch luôn coi CNLĐ là một đối tượng mà họ rất quan tâm. Một trong những nguyên nhân xảy ra ngừng việc tập thể là phức tạp trong quan hệ lao động, nhưng có cả yếu tố chống đối của các thế lực thù địch chống phá. Nếu không có nhận thức thì NLĐ rất dễ bị kích động, xảy ra phản ứng tập thể, trở thành điểm nóng.
Trước bối cảnh trên, ông Vũ Mạnh Tiêm cho biết, các cấp CĐ có trách nhiệm rất lớn trong công tác này. Là một thành viên Hội đồng Phổ biến pháp luật quốc gia, Tổng LĐLĐVN luôn nắm bắt thông tin ở cơ sở, tâm tư nguyện vọng, điều kiện làm việc của NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp CĐ phát huy truyền thông của cơ sở (như bảng tin, các loa phát thanh, video tại các loa phát thanh đưa thông tin đến CN) cũng như tuyên truyền pháp luật qua tờ rơi, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền miệng ở các khu nhà trọ của CN để đảm bảo an ninh trật tự, sức khỏe, chi tiêu, chính sách BHXH.
Ông Tiêm cho biết thêm, Tổng LĐLĐVN còn tuyên truyền tư vấn trên phương tiện thông tin đại chúng. Website congdoan.vn sẵn sàng tiếp nhận giải đáp tình huống pháp luật; tổ chức cuộc thi trực tuyến. Đặc biệt, Tổng LĐLĐVN đang xây dựng kế hoạch tư vấn pháp luật online cho đoàn viên, CNLĐ; tăng cường vận động tuyên truyền cho CNLĐ trên mạng xã hội. “Đây là điểm đổi mới, đột phá của tổ chức CĐ. Hiện nay, với sự phổ biến của wifi, smartphone trong CN thì đây là một hình thức rất hiệu quả để phổ biến pháp luật cho NLĐ. Tổng LĐLĐVN sẽ từng bước xây dựng các gói câu hỏi dạng tình huống để trả lời tự động cho CN; còn các vấn đề khác cần phân tích, trao đổi thì sẽ có các chuyên gia cũng như nhân sự ở các Trung tâm tư vấn pháp luật tại các địa phương giải đáp. Những trung tâm này cũng sẽ phối hợp để bảo vệ NLĐ khi họ khởi kiện đòi quyền lợi của mình” - ông Tiêm cho biết.
Theo Quế Chi
Báo Lao động

Nghĩ về thông điệp của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang qua một bài báo

Ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa có bài viết “Quyền lực, trách nhiệm người lãnh đạo và niềm tin của nhân dân” đăng trên báo Nhân dân nhân Kỉ niệm Quốc khánh 2/9.

Vậy thông điệp ông Sang muốn gửi gắm qua bài viết là gì? Tất nhên ở vị thế của mình, ông có nhiều thông điệp muốn truyền tải.
Song, với người viết bài này, có hai thông điệp quan trọng nhất mà ông muốn gửi gắm qua bài viết. Đó là vai trò người đứng đầu và thái độ đối với tham nhũng của chính thể cầm quyền.
Mở đầu bài viết, ông Sang đặt ra một định đề: “Ðã có những quốc gia từng đi đầu trong phát triển kinh tế rồi bỗng nhiên niềm hứng khởi vụt tắt. Nhưng cũng có những quốc gia mấy mươi năm trước xuất phát điểm giống ta, nay đã bước vào hàng ngũ các nước phát triển”.
Tại sao vậy? Để trả lời câu hỏi này, ông đưa ra 4 nhân vật đều là những người đứng đầu mỗi quốc gia và thái độ của họ đối với tham nhũng.
Đó là Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Tổng thống Hàn quốc Park Chung Hee và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Tổng thống Indonexia Suharto.
Về Tổng thống Lý Quang Diệu, ông Sang không tiếc lời ca ngợi và dẫn lời ông Diệu trong cuốn sách: "Tài sản lớn nhất của chúng tôi là sự tín nhiệm và lòng tin cậy của nhân dân. Chúng tôi cẩn thận không để lãng phí niềm tin vừa mới giành được này do cai trị tồi và tham nhũng. Tôi cần sức mạnh chính trị này để tối đa hóa các tác dụng mà chúng tôi có thể tạo ra từ vốn liếng rất ít của mình"…
Đối với Tổng thống Park Chung Hee, không quên món nợ lính đánh thuê sang Việt Nam, song ông Sang nhận xét: “suốt 18 năm làm tổng thống cho đến khi bị ám sát, ông chỉ sở hữu một gia tài khoảng 10.000 USD và cho đến nay, người ta không tìm ra được một tài sản có giá trị nào được cất giấu, ngoại trừ một Hàn Quốc đứng trong hàng ngũ các quốc gia phát triển”.
Tất nhiên, ông Sang không quên câu nói nổi tiếng của Tổng thống Park Chung Hee: “Tôi sẽ trừng trị bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng”.
Đối với Tổng thống Suharto, bài báo dẫn: “Chính vì lợi ích của gia đình (con cái và thân thích của Suharto) can dự quá nhiều vào các hợp đồng béo bở và độc quyền, khiến cho Suharto do dự trong các bước đi cải cách kinh tế, thậm chí còn thu vén cho gia đình trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Ðông - Nam Á 1997-1998.
Ông Lý Quang Diệu thuật lại trong hồi ký lời một nhà báo Mỹ đưa tin trên tạp chí Forbes tháng 10-1998 tại New York rằng gia đình Suharto có tài sản trị giá 42 tỷ USD. Ông Lý Quang Diệu viết trong hồi ký: "Tôi không hiểu vì sao các con của ông ta cần phải giàu đến thế. Giá chúng không quá đáng như vậy thì ông ta hẳn đã có một vị trí khác hẳn trong lịch sử Indonesia".
Về Tổng thống Ferdinand Marcos, bài báo dẫn bài báo: "Chỉ có ở Philippines thì mới có thể xem xét quốc tang cho một nhà lãnh đạo như Ferdinand Marcos - kẻ đã cướp bóc đất nước mình hơn 20 năm… Marcos là nhà cai trị vơ vét thành công thứ hai trong lịch sử, cướp khoảng 5-10 tỷ đôla Mỹ trong hai thập niên ở dinh tổng thống".
Tóm lại, bài báo của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đưa ra 4 nhân vật đồng thời cũng là 4 người đứng đầu mỗi quốc gia ở những thời điểm lịch sử của từng dân tộc.
Tại những thời điểm đó, cả 4 quốc gia đều có những nét tương đồng, đặc biệt là về kinh tế, cùng nằm ở những quốc gia kém phát triển. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, kết quả đã rất khác nhau “một trời, một vực”.
Nếu ở những quốc gia người đứng đầu kiên quyết với tệ nạn tham nhũng thì đất nước phồn vinh và ngược lại, ở những quốc gia mà người đứng đầu nằm trong “đội quan tham nhũng” thì dân tình khốn khó, đất nước lao đao...
Nhìn vào thực tế Việt Nam, kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nổi lửa”, các “lò” chống tham nhũng rực cháy thì kinh tế phát triển.
Mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, kỉ lục của năm 2017 và GDP đạt gần 7,4% - mức cao nhất 10 năm của 03 tháng đầu năm 2018 là một minh chứng điển hình.
Tóm lại, sau khi đọc bài báo, người viết bài này cho rằng thông điệp mà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi gắm chính là công cuộc phòng chống tham nhũng, trong sạch bộ máy và đặc biệt, là thái độ của người đứng đầu đối với tiêu cực, tham nhũng. Đây cũng là yếu tố mang tính quyết định tới sự thành bại của một quốc gia.
Không thể có một đất nước phát triển nếu như những người đứng đầu quốc gia đó lại “lỏng tay”, thậm chí tham gia vào “đội quân tham nhũng”…
Bùi Hoàng Tám (Dân Trí)

Kết luận điều tra vụ hồ tiêu trộn "pin" ở Đắk Nông

Các đối tượng khai nhận sản xuất hỗn hợp tạp chất cà phê nhuộm than pin để trộn vào hồ tiêu từ cuối năm 2015, đã xuất bán khoảng 15-20 xe, mỗi xe từ 15-20 tấn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 3-9, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết cơ quan công an đã hoàn tất quá trình điều tra và VKSND tỉnh đang xây dựng cáo trạng để truy tố các đối tượng trong vụ án "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" xảy ra vào tháng 4-2018 ở tỉnh này.
Theo cơ quan tố tụng, bà Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty Thương mại và Sản xuất Thảo Dung (ở thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) là doanh nghiệp chuyên kinh doanh, thu mua nông sản và tiêu hạt. Do tỉ lệ tạp chất chứa trong hồ tiêu bán cho đối tác dưới mức cho phép nên Dung đã nhờ bà Lê Thị Hồng Thơ, Giám đốc Công ty Tịnh Thơ (ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) tìm mua tạp chất để trộn vào hồ tiêu để tăng thêm trọng lượng. Từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 4-2018, bà Thơ đã nhiều lần liên hệ vợ chồng Nguyễn Xuân Bảo (ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) - Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ một cơ sở thu mua nông sản để đặt hàng.
Kết luận điều tra vụ hồ tiêu trộn pin ở Đắk Nông - Ảnh 1.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan trao đổi với phóng viên tại cơ sở của bà, trước khi bà bị bắt Ảnh: Bình Nguyên
Theo mẫu tạp chất của bà Dung, vợ chồng Loan - Bảo đã lấy than pin hòa vào nước thành dung dịch lỏng rồi cho vào tạp chất là phế phẩm cà phê (vỏ, cà phê nhân mẻ lẫn sỏi, đá) trộn đều, đem ủ khoảng 24 giờ rồi sấy khô. Sau đó, Loan - Bảo dùng dàn sàng lưới sắt 3 lớp để chọn phần có kích cỡ giống hạt tiêu rồi đóng thành bao.
Cũng theo cơ quan tố tụng, khi lượng hàng đủ 1 chuyến xe từ 15-20 tấn, Loan - Bảo báo cho bà Thơ thuê ông Trần Ngưỡng (chở hàng thuê) chở đến cho bà Dung. Theo lời khai, từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 4-2018, Loan - Bảo đã bán cho Thơ khoảng 15-20 xe, mỗi xe từ 15-20 tấn tạp chất chứa than pin với giá từ 9.000-12.000 đồng/kg. Để bảo đảm bí mật, mỗi khi có hàng, bà Thơ thuê ông Ngưỡng chở đi nhập cho bà Dung, tiền cước bà Dung trả cho ông Ngưỡng, tiền hàng thì bà Dung trả cho bà Thơ, sau đó bà Thơ trả cho vợ chồng Loan - Bảo, hưởng chênh lệch từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Ngày 22-4, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và thu giữ tại cơ sở của bà Dung 9 tấn tiêu đã trộn tạp chất chứa than pin khi bà Dung chưa kịp tiêu thụ. Ngày 3-5, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng trên để làm rõ hành vi "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm".
Theo kết quả giám định, trong mẫu tiêu hạt gửi đi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, hàm lượng 81,66%; ngoài ra có tìm thấy các tạp chất gồm: vỏ vụn cà phê, vụn đá, bột than pin. Trong đó, bột than pin có thành phần mangan dioxit, kẽm clorua, amoni clorua… - những chất bị cấm trong sử dụng phụ gia thực phẩm. 
Hàng trăm tấn?
Như vậy, theo lời khai của các đối tượng, lượng tạp chất nhuộm than pin được sản xuất lên tới hàng trăm tấn, lớn hơn nhiều lần so kết quả điều tra đã công bố trước đó. Về vấn đề này, lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông cho rằng đây chỉ là lời khai một phía từ các đối tượng, cơ quan điều tra không thu giữ được vật chứng, không chứng minh được như lời khai (!?).
Theo Cao Nguyên (Người Lao động)

Lực lượng CAND chủ động đấu tranh, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại dịp 2-9

Bằng sự chủ động và tinh thần kiên quyết, lực lượng CAND đã áp dụng hài hòa, khôn khéo các biện pháp nghiệp vụ, pháp luật, đấu tranh, vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động phá hoại, đảm bảo nhân dân đón Tết Độc lập trong an bình.
Trước và trong dịp lễ Quốc khánh 2-9, các đối tượng phản động trong, ngoài nước ráo riết thực hiện âm mưu kích động “tổng biểu tình”, ý đồ tạo cuộc “nổi dậy” hòng gây rối an ninh, gây bạo loạn, chống phá chính quyền tại một số khu vực.
Bằng sự chủ động và tinh thần kiên quyết, lực lượng CAND đã áp dụng hài hòa, khôn khéo các biện pháp nghiệp vụ, pháp luật, đấu tranh, vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động phá hoại, đảm bảo nhân dân đón Tết Độc lập trong an bình.
Số đối tượng phản động lưu vong bên ngoài đẩy mạnh kích động, kêu gọi trên không gian mạng về “tổng biểu tình 2-9-2018”, kêu gọi dự trữ lương thực, thực phẩm để tham gia biểu tình dài ngày, tán phát video “chiến lược biểu tình du kích chiến”.
Ý đồ của chúng là lôi kéo người dân tạo thành các điểm ùn tắc kéo dài tại các thành phố, quốc lộ, các tuyến giao thông huyết mạch để gây rối. Chúng chỉ đạo đồng bọn ở trong nước tìm cách đốt phá nhiều nơi, buộc cờ ba sọc, truyền đơn, khẩu hiệu kích động biểu tình và bóng bay thả lên trời; sử dụng thiết bị bay không người lái mang theo chất cháy, nổ, sử dụng xăng tấn công các cơ quan nhà nước...
Đối tượng Lê Quốc Bình (thành viên tổ chức khủng bố Việt Tân) cùng số tang vật phạm pháp bị thu giữ.
Số đối tượng chống đối trong nước liên tục phát tán, chia sẻ hàng trăm bài viết phản đối Luật An ninh mạng, dự thảo Luật Đặc khu, kích động người dân đồng loạt xuống đường biểu tình dịp Quốc khánh 2-9-2018. Các đối tượng kêu gọi tụ tập tại các điểm công cộng trên toàn quốc, trong đó tập trung tại khu vực Nhà hát Lớn, Hồ Gươm, tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội); khu vực nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Hoàng Văn Thụ (TP Hồ Chí Minh); khu vực đường Trần Phú, Bạch Đằng (Đà Nẵng)...
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc tập trung triển khai quyết liệt Điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chủ động các phương án đảm bảo an ninh, trật tự.
Công an các địa phương đã khẩn trương rà soát, xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, triển khai các phương án phòng, chống tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự, chống biểu tình, bạo loạn trên địa bàn. Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau dịp nghỉ lễ 2-9.
Bên cạnh đó, đã chỉ đạo và huy động hệ thống chính trị cơ sở, phát động phong trào quần chúng tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân nhằm xử lý có hiệu quả các vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp ngay từ cơ sở, không để hình thành các “điểm nóng”, không để kẻ địch lơi dụng kích động, lôi kéo.
Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra canh gác, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự xã hội, trật tự giao thông, quản lý chặt số đối tượng hình sự, ma túy...
Đã tập trung xác minh, truy tìm, bóc gỡ cơ sở nội địa của các tổ chức phản động lưu vong, nhất là đối tượng trong tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều Đại Việt” (đã bắt, xử lý 15 đối tượng), không để cho chúng có điều kiện hoạt động manh động, khủng bố phá hoại.
Tổ chức đấu tranh trực diện, răn đe số đối tượng thường xuyên chia sẻ, phát tán các thông tin, bài viết kích động biểu tình; kiểm danh, kiểm diện, có biện pháp nắm, quản lý chặt đối tượng trọng điểm...
Tổ chức tuần tra, kiểm soát kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự công cộng, việc chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ, trật tự an toàn giao thông tại các địa bàn, tuyến đường trọng điểm, nhất là khu vực diễn ra các sự kiện, lễ hội chính.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong phát hiện, đấu tranh với đối tượng khủng bố, tội phạm từ ngoài, nhất là các địa bàn giáp biên, lân cận; không để các thế lực thù địch, phản động lưu vong, tội phạm lợi dụng địa bàn các nước để xâm nhập Việt Nam hoạt động chống phá trong dịp lễ 2-9.
Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc tổ chức công tác trực ban, trực chỉ huy, bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống đột xuất, phức tạp về an ninh trật tự, cứu nạn, cứu hộ trong dịp nghỉ lễ 2-9.
Đã đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại, cụ thể như: Tối 28, rạng sáng ngày 29-8-2018, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Định phối hợp Công an tỉnh Phú Yên đã bắt giữ đối tượng Lê Quốc Bình (44 tuổi, hộ khẩu thường trú tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), đối tượng tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân, từ Campuchia vượt biên về nước, mang theo nhiều vũ khí nhằm hoạt động khủng bố, phá hoại.
Khám xét người, nơi ở của đối tượng, Công an tỉnh Bình Định thu giữ 2 súng quân dụng, 7 súng hơi và hơn 500 viên đạn các loại; 1 xe môtô phân khối lớn (nhãn hiệu Honda, dung tích 300cc) cùng nhiều tài liệu có nội dung phản động chống phá Nhà nước Việt Nam. Tại cơ quan Công an, đối tượng Lê Quốc Bình đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Tại Bến Tre, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Ngọc Ánh (38 tuổi, trú tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội, hiện tạm trú tại thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo quy định Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Ngọc Ánh làm nghề nuôi tôm song đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân để công khai viết bài, chia sẻ nhiều bài viết, video, nhận live stream phát trực tiếp của nhiều đối tượng phản động trong và ngoài nước, có nội dung tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đối tượng còn kêu gọi, kích động, xúi giục người dân biểu tình, phá hoại trong dip lễ 2-9. Hiện đối tượng đang bị tạm giữ để điều tra làm rõ hành vi phạm tội.
Tại Cần Thơ, Công an quận Ninh Kiều vừa tống đạt quyết định bắt tạm giam đối tượng Đoàn Khánh Vinh Quang (42 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) về hành vi “Đưa trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông”, theo Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015.
Cơ quan Công an xác định, Quang đã lập facebook cá nhân có tên “Quang Đoàn” để thực hiện hành vi đăng và chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nói xấu Đảng, Nhà nước, Quốc hội; đăng bài viết có nội dung kêu gọi xuống đường tuần hành, biểu tình.
Quá trình điều tra, cơ quan An ninh phát hiện Quang còn nhắn tin với đối tượng nước ngoài nói xấu Đảng, Nhà nước. Đồng thời, qua khám xét, cơ quan chức năng thu giữ nhiều tang vật, tài liệu có liên quan.
Cùng thời gian này, Công an quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã tiến hành bắt tạm giam đối với Bùi Mạnh Đồng (40 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) về hành vi “Đưa trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông”.
Trước đó, cơ quan CSĐT Công an quận Thốt Nốt xác định Đồng lập facebook cá nhân “Kiều Thanh” và facebook “Ăn cướp công an”, đưa những hình ảnh, bài viết nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, lãnh đạo...
Ý đồ kích động “tổng biểu tình” dịp 2-9 của các đối tượng là hết sức nguy hiểm, trong đó không gian mạng được các đối tượng lợi dụng như một phương tiện chính trong kích động chống phá, gây rối an ninh, trật tự.
Lực lượng Công an đã chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại, bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cả nước. Triển khai tích cực các mặt công tác phòng ngừa, tập trung đấu tranh quyết liệt với các đối tượng phản động...
Theo Đ.Minh – X.Mai (Báo CAND)