9/04/2018

Kết luận điều tra vụ hồ tiêu trộn "pin" ở Đắk Nông

Các đối tượng khai nhận sản xuất hỗn hợp tạp chất cà phê nhuộm than pin để trộn vào hồ tiêu từ cuối năm 2015, đã xuất bán khoảng 15-20 xe, mỗi xe từ 15-20 tấn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 3-9, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết cơ quan công an đã hoàn tất quá trình điều tra và VKSND tỉnh đang xây dựng cáo trạng để truy tố các đối tượng trong vụ án "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" xảy ra vào tháng 4-2018 ở tỉnh này.
Theo cơ quan tố tụng, bà Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty Thương mại và Sản xuất Thảo Dung (ở thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) là doanh nghiệp chuyên kinh doanh, thu mua nông sản và tiêu hạt. Do tỉ lệ tạp chất chứa trong hồ tiêu bán cho đối tác dưới mức cho phép nên Dung đã nhờ bà Lê Thị Hồng Thơ, Giám đốc Công ty Tịnh Thơ (ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) tìm mua tạp chất để trộn vào hồ tiêu để tăng thêm trọng lượng. Từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 4-2018, bà Thơ đã nhiều lần liên hệ vợ chồng Nguyễn Xuân Bảo (ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) - Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ một cơ sở thu mua nông sản để đặt hàng.
Kết luận điều tra vụ hồ tiêu trộn pin ở Đắk Nông - Ảnh 1.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan trao đổi với phóng viên tại cơ sở của bà, trước khi bà bị bắt Ảnh: Bình Nguyên
Theo mẫu tạp chất của bà Dung, vợ chồng Loan - Bảo đã lấy than pin hòa vào nước thành dung dịch lỏng rồi cho vào tạp chất là phế phẩm cà phê (vỏ, cà phê nhân mẻ lẫn sỏi, đá) trộn đều, đem ủ khoảng 24 giờ rồi sấy khô. Sau đó, Loan - Bảo dùng dàn sàng lưới sắt 3 lớp để chọn phần có kích cỡ giống hạt tiêu rồi đóng thành bao.
Cũng theo cơ quan tố tụng, khi lượng hàng đủ 1 chuyến xe từ 15-20 tấn, Loan - Bảo báo cho bà Thơ thuê ông Trần Ngưỡng (chở hàng thuê) chở đến cho bà Dung. Theo lời khai, từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 4-2018, Loan - Bảo đã bán cho Thơ khoảng 15-20 xe, mỗi xe từ 15-20 tấn tạp chất chứa than pin với giá từ 9.000-12.000 đồng/kg. Để bảo đảm bí mật, mỗi khi có hàng, bà Thơ thuê ông Ngưỡng chở đi nhập cho bà Dung, tiền cước bà Dung trả cho ông Ngưỡng, tiền hàng thì bà Dung trả cho bà Thơ, sau đó bà Thơ trả cho vợ chồng Loan - Bảo, hưởng chênh lệch từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Ngày 22-4, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và thu giữ tại cơ sở của bà Dung 9 tấn tiêu đã trộn tạp chất chứa than pin khi bà Dung chưa kịp tiêu thụ. Ngày 3-5, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng trên để làm rõ hành vi "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm".
Theo kết quả giám định, trong mẫu tiêu hạt gửi đi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, hàm lượng 81,66%; ngoài ra có tìm thấy các tạp chất gồm: vỏ vụn cà phê, vụn đá, bột than pin. Trong đó, bột than pin có thành phần mangan dioxit, kẽm clorua, amoni clorua… - những chất bị cấm trong sử dụng phụ gia thực phẩm. 
Hàng trăm tấn?
Như vậy, theo lời khai của các đối tượng, lượng tạp chất nhuộm than pin được sản xuất lên tới hàng trăm tấn, lớn hơn nhiều lần so kết quả điều tra đã công bố trước đó. Về vấn đề này, lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông cho rằng đây chỉ là lời khai một phía từ các đối tượng, cơ quan điều tra không thu giữ được vật chứng, không chứng minh được như lời khai (!?).
Theo Cao Nguyên (Người Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét