1/14/2019

Cần Thơ tích cực xây dựng đô thị thông minh

Tổ soạn thảo đã cơ bản hoàn thành nội dung Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025, để sớm trình phê duyệt, trên cơ sở đó huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển đô thị thông minh. Hướng tới, thành phố xác định ưu tiên xây dựng đô thị thông minh trên nhiều lĩnh vực…


TP Cần Thơ đang ra sức xây dựng đô thị thông minh, trong đó có lĩnh vực giao thông thông minh.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, đến nay Tổ soạn thảo đã cơ bản hoàn chỉnh nội dung Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025; ưu tiên ở 9 lĩnh vực trọng tâm như: chính quyền số, quy hoạch đô thị thông minh, giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và an ninh, an toàn trong đô thị thông minh.
Ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án, cho biết: Tổ soạn thảo đã làm việc với Tập đoàn VNPT, trong đó tập trung các giải pháp xây dựng thành phố thông minh, nhưng cũng phải mang tính khả thi sau khi đề án được phê duyệt.
Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025 theo dự kiến có thể trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 9-2018. Thành phố sẽ huy động các nguồn lực xã hội thực hiện xây dựng đô thị thông minh, rất ít dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước…
Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh nhằm định hướng tổng quan triển khai xây dựng đô thị thông minh tại thành phố giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025: đề xuất tầm nhìn, mục tiêu tổng quát, nguyên tắc định hướng và phương pháp đo lường hiệu quả việc xây dựng đô thị thông minh trong các lĩnh vực; đề xuất các giải pháp, dự án, lộ trình thực hiện; các giải pháp về cơ chế chính sách…
Theo nội dung dự thảo đề án của Tổ soạn thảo, về tầm nhìn “Phát triển TP Cần Thơ trên nền tảng người dân làm trung tâm đô thị. Nâng cao chất lượng cuộc sống, quản trị đô thị hiện đại. Phát triển đô thị thịnh vượng, bền vững”. Mục tiêu tổng quát là nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tốt an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển không gian mạng, số hóa, kết nối và tích hợp các hệ thống, quy trình, dịch vụ phục vụ công tác dự báo và điều hành một cách tổng thể; đảm bảo 4 chủ thể (chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân) cùng tham gia xây dựng, quản lý, sử dụng và hưởng lợi từ việc ứng dụng công nghệ.
Tổ soạn thảo đề án đề xuất lộ trình triển khai thực hiện: giai đoạn 2018-2020, thiết lập nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung cho đô thị thông minh. Theo đó, hình thành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh để tích hợp các dữ liệu hiện có; tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án đã có kế hoạch và nguồn lực (chính phủ điện tử, hợp phần 3 của Dự án 3…); xây dựng khung chính sách huy động nguồn lực tài chính cho từng dự án tùy theo tính chất đầu tư, vận hành và đồng thời ưu tiên thực hiện các dự án có nhu cầu và có khung chính sách tài chính khả thi. Ngoài ra, triển khai ứng dụng My City (Thành phố của tôi) trên nền tảng di động để truyền thông về xây dựng đô thị thông minh, tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân về dịch vụ đã và đang triển khai, để điều chỉnh, bổ sung kịp thời…
Giai đoạn 2021-2023, triển khai đồng bộ các giải pháp trên khung nền tảng dùng chung, mở rộng, cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Theo đó, triển khai các dự án theo lộ trình ưu tiên; chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai dữ liệu mở trên các lĩnh vực để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ thông minh cho thành phố…
Giai đoạn 2024-2025, đổi mới, sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ cho đô thị sẽ xuất phát chủ yếu từ khối tư nhân; thành phố đóng vai trò thu thập, cập nhật và chia sẻ dữ liệu mở, phân tích dự báo để ban hành chính sách và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Đồng thời, tiếp tục cải tiến cập nhật công nghệ định hướng và xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn kế tiếp…
Nhóm giải pháp về tài chính triển khai xây dựng đô thị thông minh, đối với các dự án liên quan đến hạ tầng công nghệ (có chi phí đầu tư cao, công nghệ thay đổi nhanh) ưu tiên thuê dịch vụ từ doanh nghiệp để giảm chi phí đầu tư ban đầu, tránh bị lạc hậu về công nghệ và vận hành ổn định, hiệu quả.
Đối với các dự án, dịch vụ có nguồn thu rõ ràng (kể cả dịch vụ công ích) sẽ xem xét xã hội hóa toàn phần hoặc chia theo khu vực để xã hội hóa, tận dụng được nguồn nhân lực của khối tư nhân cũng như tạo môi trường cạnh tranh, giúp người dân nhận được dịch vụ chất lượng hơn.
Đối với các dự án, dịch vụ chưa có cơ chế về nguồn thu xem xét áp dụng hình thức PPP, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vận hành (chẳng hạn như chiếu sáng công cộng thông minh), hoặc Nhà nước chủ động xây dựng các cơ chế về nguồn thu để tự thực hiện hay đấu giá thực hiện.
Ngoài ra, kết hợp với các chương trình, dự án đang được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trên địa bàn để phục vụ triển khai xây dựng đô thị thông minh; tích cực nắm bắt, tham gia các dự án đầu tư của Trung ương cho ĐBSCL, các dự án thí điểm triển khai Đề án quốc gia về Đô thị thông minh bền vững để tranh thủ nguồn lực này.
Chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch về xây dựng TP Cần Thơ phát triển trở thành đô thị thông minh mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh: Đô thị thông minh là lĩnh vực mới đối với TP Cần Thơ.
Để đảm bảo khi đề án hoàn thành được phê duyệt mang tính khả thi, hiệu quả và khả năng đầu tư theo lộ trình, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND thành phố đánh giá, thẩm định, nghiệm thu đề án; mời các chuyên gia đánh giá, phản biện. Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý cần xác định lĩnh vực thông minh theo thứ tự ưu tiên trước và sau. Lĩnh vực ưu tiên hàng đầu có thể là chính quyền số, giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh; còn y tế thông minh, giáo dục thông minh sẽ tiến tới.
Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/4/2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025 nêu rõ: Xây dựng đô thị thông minh là lĩnh vực mới, cần nghiên cứu thận trọng, chặt chẽ, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đồng thời cần có bước đi vững chắc, lộ trình cụ thể, cân đối nguồn lực, thứ tự ưu tiên đầu tư, không làm hình thức, chạy theo phong trào, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.
Theo Anh Khoa / Báo Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét