Sông Hồng với tổng chiều dài trên 1.149 km, đoạn qua lãnh thổ Việt Nam dài trên 510 km, có nhiều phụ lưu, với lưu lượng nước bình quân 2.640 m3/s (tại cửa sông) mang lại nguồn phù sa trù phú cho đồng bằng Bắc bộ, trung bình khoảng 100 triệu tấn/năm tức là gần 1,5 kg phù sa/1m3 nước. Sông Hồng góp phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của cư dân hai bên bờ sông.
Tại Hà Nội, sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy, cung cấp nước tưới tiêu, nuôi trồng thủy hải sản... Bên cạnh đó, sông Hồng còn cung cấp các giá trị dịch vụ sinh thái, cảnh quan, du lịch, điều hòa khí hậu và hình thành đời sống văn hóa đậm đà bản sắc cư dân ven sông. Các bãi bồi, bãi giữa sông Hồng đoạn qua khu vực Hà Nội còn cung cấp đất để trồng các loại cây nông nghiệp, cây thuốc, cây gia vị và cây lấy gỗ. Ngoài ra, khu vực này còn là sinh cảnh sống của nhiều loài chim sống cố định, các loài bò sát, lưỡng cư, cá và côn trùng. Hiện có khoảng 1.900 hộ dân dọc hai bên bờ sông chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp của hệ sinh thái sông Hồng.
Hệ sinh thái đa dạng, phong phú của bãi bồi, bãi giữa sông Hồng
Sông Hồng, đoạn chảy qua khu vực Hà Nội có chiều dài khoảng 120 km, với nhiều bãi bồi, bãi giữa do phù sa bồi đắp cùng với sự biến động của dòng chảy. Các phân tích ảnh vệ tinh cho thấy, tổng diện tích các bãi giữa sông Hồng khoảng 5 km2.Qua nhiều năm diễn thế sinh thái tự nhiên, các bãi bồi, bãi giữa tạo thành các sinh cảnh độc đáo và trở thành nơi trú ngụ của nhiều loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là khu hệ chim di trú. Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2014, các khu vực bãi giữa sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội có 166 loài chim di trú, trong đó có nhiều loài có tên trong Sách đỏ và danh mục các loài động vật hoang dã được bảo vệ theo quy định pháp luật Việt Nam như cú lợn lưng nâu, diều Ấn Độ, diều mào, cắt lớn, ưng Ấn Độ, ưng lưng đen, đại bàng, bìm bịp, yến cọ, bồng chanh...Từ tháng 3 - 6/2016, các chuyên gia đã thực hiện quan sát và ghi nhận bổ sung thêm các loài mới, nâng tổng số lên trên 170 loài chim phát hiện được tại các khu vực bãi giữa sông Hồng như: Cò lạo xám, cun cút, le hoi, diệc xám, choi choi khoang cổ, choắt bụng trắng, chìa vôi đầu vàng…
Loài chim diều Ấn Độ tại bãi giữa sông Hồng, ảnh chụp tháng 4/2016
|
Bên cạnh khu hệ chim di trú, các bãi giữa, bãi bồi sông Hồng còn là nơi cư ngụ của một số loài thú gặm nhấm, bò sát, lưỡng cư, côn trùng và là bãi đẻ của một số loài cá nước ngọt. Trong đó, loài phổ biến là nhông hàng rào, ăncác loại côn trùng và động vật có xương nhỏ, bao gồm cả động vật gặm nhấm và thằn lằn. Do bị săn bắt để ngâm thuốc và chế biến các món ăn nên số lượng ngày càng bị suy giảm và đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài ra, gần đây, loài mèo gấm do người dân phát hiện cũng được ghi nhận là loài mới tại khu vực bãi giữa sông Hồng. Loài mèo gấm thuộc họ mèo, bộ ăn thịt.Chúng có lông mềm màu vàng trắng, điểm nhiều đốm đen không đều, quanh các đốm đen có viền màu vàng nâu. Bụng và chân của mèo gấm có màu xám trắng, đầu có sọc màu đen, trắng chạy dọc từ đỉnh đầu xuống mũi.Mèo gấm sống ở rừng thứ sinh nghèo, trên các cây bụi hay các bãi cây ven sông, không có nơi ở cố định. Đặc điểm đặc trưng của loài mèo này là vận động nhanh nhẹn, leo trèo và bơi lội. Ban ngày, mèo gấm ngủ ở trong các hốc cây, hang đá, bụi rậm hay trên cây to, ban đêm chúng bắt đầu đi kiếm ăn. Thức ăn chủ yếu của mèo gấm là chuột, sóc, chim, lưỡng cư và các loại côn trùng. Ngoài ra, loài thú này có da, lông đẹp, cho nguyên dược liệu và có giá trị thương mại. Tại Việt Nam, số lượng mèo gấm thống kê được không còn nhiều, chúng nằm trong nhóm động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Không chỉ phong phú về các loài động vật, khu bãi giữa sông Hồng còn là nơi trồng nhiều cây nông nghiệp như ngô, khoai, sắn, các loại rau màu và một số loài cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao, trong đó phổ biến nhất là ngưu bàng. Theo Đông y, ngưu bàng có vị cay, đắng, tính hàn, có tác dụng trừ phong nhiệt, thanh nhiệt giải độc, thông phổi, làm mọc ban chẩn, tiêu thũng và sát khuẩn.
Một số tác động đến hệ sinh thái bãi bồi, bãi giữa sông Hồng
Trong 5 năm trở lại đây, các bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng đang bị tác động mạnh bởi các hoạt động của con người, trong đó có hoạt động khai thác cát, xâm canh nông nghiệp và săn, bắt chim, động vật hoang dã. Do đó, làm xói lở đất dẫn đến mất bãi bồi cũng như góp phần đẩy một số loài chim đến nguy cơ tuyệt chủng; việc săn bắt chim thú, khai thác cát còn làm mất các giá trị sinh học, sinh thái (dịch vụ sinh thái học), ảnh hưởng cảnh quan và cây trồng nông nghiệp.
Tác động của việc phát triển hạ tầng: Trong 10 năm qua, ngoài cầu Thăng Long, Long Biên và Chương Dương, đã có thêm ba cây cầu lớn bắc qua sông Hồng đoạn qua khu vực Hà Nội gồm cầu Nhật Tân, Thanh Trì và Vĩnh Tuy. Các tác động của việc xây dựng các cây cầu này làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, hoạt động sinh tồn của các loài chim di trú và làm mất tính nguyên vẹn của sinh cảnh nơi đây.
Hoạt động khai thác cát và vận chuyển đường thủy: 5 năm trở lại đây, hoạt động khai thác, vận chuyển cát tại các bãi giữa sông Hồng, đặc biệt tại các khu vực thuộc xã Liên Hồng, Liên Hà và một số địa điểm dọc sông Hồng đã tạo thành các điểm xói lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hoạt động của thuyền bè, đặc biệt là xà lan chở cát, sỏi đã tác động mạnh đến sự biến đổi của các bãi giữa, bãi bồi, làm mất sinh cảnh của các loài động vật, thực vật hoang dã.
Xâm lấn đất nông nghiệp và vấn đề sử dụng hóa chất: Hiện tại, người dân ven sông đang hàng ngày mở rộng diện tích đất canh tác để trồng các loại cây như chuối, đót, các loại đỗ, cây thuốc, ngô... Việc sử dụng hóa chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu tại khu vực này không những làm mất sinh cảnh của nhiều loài động vật như cú lợn lưng nâu, các loài gặm nhấm, côn trùng mà còn làm nguyên nhân gây chết chim di trú do ăn phải thức ăn nhiễm độc.
Hoạt động săn bắt động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim: Đây là nguyên nhân trực tiếp làm suy giảm quần thể chim di trú. Hoạt động này diễn ra phổ biến vào mùa di cư của các loài chim trong giai đoạn từ tháng 9 - 11 và từ tháng 3 - 6 hàng năm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sông Hồng, đoạn qua Hà Nội là một điểm dừng chân quan trọng của chim di trú, chính vì vậy, hoạt động săn, bẫy bắt chim, động vật hoang dã đã tác động mạnh đến việc bảo tồn các loài ở khu vực này. Người dân địa phương đã sử dụng súng, lưới và các loại bẫy để săn, bắt chim khướu, vành khuyên, vẹt, yểng, quạ… nhằm phục vụ thú chơi của người dân. Việc săn, bắt chim thú còn tiềm tàng làm lây lan dịch bệnh từ chim hoang dã sang gia cầm và con người.
Sinh vật ngoại lai: Hai loài thực vật phân bố nhiều nhất trong khu vực là trinh nữ thân gỗ và cây xấu hổ đang tác động đến hệ sinh thái bãi giữa, bãi bồi sông Hồng. Tại các khu ngập nước trên bãi bồi, hoặc khu vực ven bờ phát hiện nhiều cá thể cá dọn bể có kích thước lớn, gây tác động tiêu cực đến các loài thủy sinh bản địa.
Hiện tượng xói lở tại khu vực xã Liên Hồng, Liên Hà năm 2014
|
Đề xuất, kiến nghị
Để bảo tồn và sử dụng bền vững các giá trị hệ sinh thái của các bãi giữa, bãi bồi sông Hồng, các chuyên gia thuộc Cơ quan CITES Việt Nam xin đề xuất một số giải pháp:
Cần quy hoạch sử dụng đất đai các khu vực bãi bồi, bãi giữa, ven sông Hồng và giao chính quyền địa phương giám sát việc thực hiện quy hoạch này, nghiêm cấm khai hoang tự do; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi tại khu vực, đặc biệt tại các khu vực xung yếu;
Bên cạnh đó, ban hành quy định nghiêm cấm săn bắt chim, thú tại các khu vực trên, kiểm soát việc sử dụng súng săn, các loại bẫy; Tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật và nâng cao kỹ năng nhận dạng mẫu vật các loài chim và động vật; Điều tra, phát hiện các thủ đoạn buôn bán các loài ở khu vực này;
Cần xây dựng các chiến dịch nâng cao nhận thức và giảm nhu cầu tiêu thụ các loài chim và động vật của khu vực bãi giữa sông Hồng; đồng thời, đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học về sinh học, sinh thái, quần thể, xu hướng biến động của loài chim và động vật tại khu vực;
Ngoài ra, tuyên truyền đến người dân không săn bắt, giết hại động vật hoang dã; Nghiêm cấm người dân sống hai bên bờ sông Hồng thả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại như rùa tai đỏ, cá dọn bể, cá hỏa tiễn xuống sông.
Giao các cơ quan chuyên ngành như Kiểm lâm, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học làm luận chứng thiết lập Khu bảo vệ cảnh quan bãi bồi, bãi giữa sông Hồng theo quy định của Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.
Vương Tiến Mạnh
Phó Giám đốc - Cơ quan CITES Việt Nam
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét