8/06/2018

Bộ trưởng Công an: Các thế lực phản động ngày càng xảo quyệ

Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, hiện nay các thế lực thù địch, phản động không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, nguy hiểm. Trong đó, có sự lôi kéo, kích động, móc nối giữa các đối tượng phản động, cơ hội chính trị với các đối tượng hình sự, đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, như vụ việc đã diễn ra ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương.


Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (ảnh IT).
Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân (20.7.1962 – 20.7.2018), Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ với nhiều nội dung rất quan trọng.
Sau khi điểm qua những hoạt động và thành tích lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND), Thượng tướng Tô Lâm cho biết, chỉ tính từ năm 1986 đến nay, đã có hơn 150 cán bộ, chiến sĩ CSND hy sinh, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong công tác, chiến đấu. Thượng tướng Tô Lâm cũng đúc rút ra những bài học quý giá trong quá trình công tác, chiến đấu của lực lượng CSND.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong thời gian tới tình hình thế giới, khu vực có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có những thách thức, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Các thế lực thù địch, phản động không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, nguy hiểm. Trong đó, có sự lôi kéo, kích động, móc nối giữa các đối tượng phản động, cơ hội chính trị với các đối tượng hình sự, đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, như vụ việc đã diễn ra ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong toàn quốc thời gian qua.
Về tình hình trật tự an toàn xã hội và tội phạm, trước tác động, móc nối của các loại tội phạm quốc tế và khu vực, tội phạm trong nước tiếp tục có xu hướng “quốc tế hóa” mạnh mẽ hơn, tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, lối sống vị kỷ, thực dụng, vô cảm, tuyệt đối hóa các nhu cầu, lợi ích cá nhân làm gia tăng tình trạng tội phạm sử dụng bạo lực, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, tệ nạn xã hội, nhất là trong lớp trẻ. Bên cạnh đó, cùng với việc sử dụng vũ lực chống trả quyết liệt, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội sẽ có xu hướng tăng cường sử dụng vật chất, các lợi ích khác mua chuộc, lôi kéo; các thủ đoạn gây ảnh hưởng đến cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung, CSND nói riêng để được bao che hoặc tạo điều kiện trong hoạt động gây án, vi phạm pháp luật.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân trải qua 55 năm công tác, chiến đấu trưởng thành (ảnh Học viện Cảnh sát nhân dân).
Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục tiêu cao nhất của công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm là xây dựng xã hội trật tự, an toàn, kỷ cương, lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm kịp thời, nhanh chóng, chính xác là rất cần thiết và quan trọng nhưng không thay thế cho toàn bộ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, từ đó, chấm dứt tình trạng “chạy theo thành tích”, chỉ chú trọng đến điều tra, xử lý tội phạm mà không chú ý đến phòng ngừa tội phạm.
Đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội. Kết hợp giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, tạo thế trận liên hoàn trong bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, gắn với vai trò tham mưu, nòng cốt, trực tiếp của lực lượng CSND và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và địa bàn dân cư, với mỗi gia đình và thành viên, góp phần bảo vệ nhân dân, không để nhân dân bị tội phạm xâm hại, không để người dân bị tội phạm lôi kéo, mua chuộc vào hoạt động phạm tội.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ CSND phải nhận thức do tính chất hoạt động và nhiệm vụ trong bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm, việc làm, hình ảnh của người cán bộ, chiến sĩ CSND sẽ có tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân với lực lượng Công an nhân dân. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ CSND cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, làm chủ khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực tri thức có liên quan khác; đổi mới hơn nữa phong cách, lề lối làm việc, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, quán triệt sâu sắc, thực chất tư tưởng trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ để được nhân dân tin yêu, giúp đỡ nhiều hơn...
Theo Dân Việt

Kết luận của Thanh tra Chính phủ không ảnh hưởng đến việc truy tố Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân và đồng phạm trong vụ án công ty Tây Nam

Liên quan vụ án công ty Tây Nam, chỉ còn mấy ngày nữa Tòa án thành phố tiếp tục đưa ra xét xử thì lập tức như đến hẹn lại lên, mấy anh báo “ruột” của gia đình bị cáo Nhân liền nhảy vào đưa tin với nội dung “giật tít” như: Một khu đất, 2 kết luận trái ngược nhau, cho rằng kết luận giá trị khu đất 12, Nguyễn Trãi của Cơ quan điều tra và Thanh tra Chính phủ là trái ngược….

Liên quan vụ án này, trước đây tôi từng đề cập thủ đoạn của Nhân trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi lãi suất của Chính phủ và bị Cơ quan an ninh điều tra phát hiện vào cuộc. Chúng tôi được biết, liên quan kết luận của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi UBND thành phố Cần Thơ đề nghị có ý kiến về nội dung, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận 978/KL-TTCP. Căn cứ Công văn của Văn phòng Chính phủ, UBND thành phố Cần Thơ mới có ý kiến giải trình. Như vậy, Kết luận Thanh tra 978/KL- TTCP ngày 22/6/2018 của Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo; đồng thời gửi đến UBND thành phố Cần Thơ là đối tượng bị thanh tra để có ý kiến giải trình. Do vậy, Kết luận 978 chưa phải là kết luận Thanh tra chính thức và được công bố chính thức nên chưa có giá trị chấp hành và các nội dung trong kết luận 978 vẫn bị điều chỉnh và thay đổi.Các bác làm ơn nghiên cứu cho kỹ rồi hả viết bài, đừng cầm đèn chạy trước ô tô. Theo tôi được biết, UBND thành phố đã có báo cáo giải trình, sớm muộn thì sẽ công bố chính thức thôi.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (áo xanh) tại phiên tòa. Ảnh: Minh Anh. 
Trở lại việc định giá 2.574,60m2 đất ở số 12, Nguyễn Trãi (UBND thành phố đã bán cho bị cáo Nhân) mà báo đề cập. Về vấn đề này, một số báo chí không hiểu hay cố tình không hiểu để bênh vực cho một hành vi sai trái của Nhân; là người dân thành phố Cần Thơ ai cũng biết với diện tích 2.574,60m2 bán với giá thị trường thời điểm 2012 là 104.033.000.000 đồng là đúng rồi (tương đương 40.376.369 đồng/1m2 còn gì), nếu so với giá đất của UBND thành phố Cần Thơ năm 2010 thì bằng 3,43 lần (11.760.000đồng/1m2), như vậy UBND thành phố đã lời to rồi còn gì. Ngoài ra nếu so với giá thị trường tại thời điểm bán đấu giá (2012) cũng chỉ bằng 1,03 lần, làm gì có sự chênh lệch 2,26 lần như Thanh tra Chính phủ kết luận.
Ngẫm nghĩ tôi cũng thấy vô lý thật, bởi lẽ nếu thằng Nhân may mắn mua miếng đất 12 Nguyễn Trãi giá rẻ chênh lệc 129 tỷ đồng như Thanh tra Chính phủ kết luận. Thế thì, tại sao nó không sang tay kiếm lời, bỏ túi cả trăm tỷ lúc bấy giờ? tội gì phải làm dự án, hồ sơ giả để vay chỉ có 289 tỷ đồng để hôm nay phải vào tù ngồi, bài toán đơn giản đứa bé lớp 3 cũng hiểu. Nhưng vấn đề ở đây, tôi muốn nói với các bạn rằng: đối với vụ án công ty Tây Nam là vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết, đòi hỏi cơ quan tố tụng phải bỏ rất nhiều công sức để chứng minh tội phạm. Vì vậy tôi kêu gọi anh em nhà báo chính thống, hãy bình tĩnh, đừng đưa tin theo phía gia đình bị can và luật sư, bởi vì họ bao giờ cũng muốn giấu những sai phạm của con và thân chủ mình, thường cung cấp những thông tin thiếu khách quan, một chiều, không đúng sự thật, ảnh hưởng uy tín tờ báo. Bản thân tôi cho rằng vụ án có thể sắp hạ màn, lúc đó trắng đen sẽ rõ, gia đình bị cáo Nhân đừng có những hành động vô ích mà động viên con mình cố gắng cải tạo thành công dân tốt.
Bài sau, tôi sẽ nói rõ tài sản thế chấp của Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân không đảm bảo như thế nào.
Ngọc Hải

Chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có vi phạm Luật An ninh mạng?

Chỉ có những phát biểu, chia sẻ, đăng tải thông tin nhằm mục đích xâm phạm an ninh quốc gia thì mới có thể phương hại đến an ninh quốc gia.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Luật An ninh mạng là bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng. Điều này xuất phát từ thực trạng an toàn, an ninh trên không gian mạng đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các cuộc tấn công vào hệ thống mạng công nghệ thông tin không ngừng tăng cả về số lượng, cường độ và tính phức tạp. Các nhóm tội phạm ngày một gia tăng với sự hỗ trợ của các tổ chức kinh tế-chính trị và nguy cơ chiến tranh mạng đang hiện hữu, đe dọa hòa bình và an ninh thế giới, chủ quyền quốc gia.
Về vấn đề này, phóng viên phỏng vấn luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh.
PV: Nhiều người vẫn chưa hiểu và băn khoăn tại sao hoạt động phát biểu, đăng tải hay chia sẻ thông tin trên mạng xã hội lại có thể phương hại đến an ninh quốc gia, thưa ông?
Luật sư Giang Hồng Thanh: Chỉ có những phát biểu, chia sẻ, đăng tải thông tin nhằm mục đích xâm phạm an ninh quốc gia thì mới có thể phương hại đến an ninh quốc gia chứ không phải tất cả những phát biểu, đăng tải, chia sẻ thông tin nhằm mục đích khác cũng phương hại an ninh quốc gia.
Các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia được quy định cụ thể tại Chương 13, Bộ luật Hình sự. Ví dụ, hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, hành vi bạo loạn, khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, phá hoại chính sách đoàn kết – đây là hành vi được coi là xâm phạm an ninh quốc gia.
Việc phát biểu, đăng tải thông tin nhằm mục đích xâm phạm đến an ninh quốc gia thì ai cũng phải hiểu là gây phương hại đến an ninh quốc gia.
Ví dụ, một người viết bài kêu gọi những người khác lật đổ Nhà nước Việt Nam hoặc kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sau đó mọi người chia sẻ bài viết thì không thể nói việc chia sẻ đó không làm tổn hại hay gây ảnh hưởng xấu tới lợi ích quốc gia.
PV: Những gì xảy ra trong thời gian qua, có thể thấy rất nhiều mối đe dọa trên không gian mạng. Vậy những thông tin nào bị cấm khi hoạt động trên môi trường mạng xã hội, thưa luật sư?
Luật sư Phan Hồng Thanh: Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 8, Luật an ninh mạng và có hiệu lực vào năm 2019.
Cụ thể, tại khoản 1 quy định: Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây: a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này; b) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
Một trong những hành vi nghiêm cấm tiếp theo là: Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Khoản 3 Điều 8 quy định: Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
Khoản 4: Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
Khoản 5: Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
Khoản 6: Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.
PV: Điều 8 của Luật An ninh mạng đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm. Như vậy, các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng vi phạm pháp luật thì mới chịu sự điều chỉnh của Luật An ninh mạng, còn các hoạt động hợp pháp khác của người dân và doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Điều này có thể hiểu một cách ngắn gọn và dễ hiểu như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Giang Hồng Thanh: Nhà nước Việt Nam không bao giờ cấm và ngăn cản người dân hoặc doanh nghiệp hoạt động hợp pháp trên môi trường không gian mạng. Tuy nhiên, ranh giới giữa hợp pháp và trái phép lại khá mong manh, và để phân biệt việc này cũng không phải đơn giản.
Ví dụ, người dân muốn bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình trên tinh thần xây dựng đối với một quyết định của cơ quan Nhà nước hoặc sự kiện nào đó do Nhà nước tổ chức mà người dân cho rằng chưa phù hợp, thì có thể trong cách biểu đạt ý kiến, quan điểm, người dân vô tình sử dụng những ngôn ngữ không đúng chuẩn mực, văn phạm quy tắc. Vậy việc biểu đạt đó có phải là hành vi tuyên truyền chống Nhà nước hay không?
Hoặc một người gặp bất công do người có thẩm quyền gây ra thì người gặp bất công đó lên mạng kêu gọi tranh thủ sự ủng hộ của mọi người, thì việc kêu gọi đó có phải là lôi kéo, tụ tập đông người hay không?
Nếu không tỉnh táo phân biệt được thì đôi khi chúng ta tưởng những hành động của mình đúng pháp luật nhưng vô tình lại là trái phép.
PV: Với những hành vi vi phạm Luật An ninh mạng như những clip kêu gọi tụ tập đông người... thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Giang Hồng Thanh: Việc kêu gọi tụ tập đông người có bị xử lý hay không phụ thuộc vào mục đích kêu gọi. Nếu mục đích nhằm kích động mọi người phá hoại cơ sở vật chất của cá nhân, tổ chức khác nhằm chống lại người thi hành công vụ thì việc kêu gọi đó sẽ bị xử lý hình sự.
Nếu việc kêu gọi chỉ nhằm mục đích tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng thì quan điểm của tôi cho rằng hành vi đó không vi phạm pháp luật.
PV: Doanh nghiệp có hoạt động cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, mạng internet có trách nhiệm như thế nào để bảo vệ an ninh mạng và lợi ích quốc gia?
Luật sư Giang Hồng Thanh: Doanh nghiệp có hoạt động cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, mạng internet có một số trách nhiệm: xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng;
Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại Khoản 1,2,3,4,5 Điều 16 Luật An ninh mạng trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ TT&TT. Lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet hoặc các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các Khoản 1,2,3,4,5 Điều 16 Luật An ninh mạng, khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ TT&TT.
Những Khoản 1,2,3,4,5 Điều 16 Luật An ninh mạng quy định thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ; xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo VOV