11/12/2018

ANH ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG VÀ "RẤT KHỦNG KHIẾP"

Một anh trộm chó, một cô cave hay một kẻ trộm vặt có thể gây hậu quả cho xã hội, nhưng mức độ thiệt hại không đáng kể. Hành vi của họ mang tính cá nhân, đơn lẻ và không ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia, sự vững mạnh của chế độ, sự trường tồn của dân tộc. 


Những kẻ bất mãn, cơ hội có thể công khai lợi dụng vấn đề tôn giáo, vấn đề dân tộc, lợi dụng báo chí, văn học nghệ thuật... để chống lại dân tộc đương nhiên là nguy hiểm hơn anh trộm chó hay một ả mại dâm nhiều lần. Hành vi của họ có thể gây mất ổn định xã hội và làm gia tăng thái độ hung hăng của những người chống đối. Đương nhiên, sự nguy hiểm của một chị công nhân không thể sánh được với một giáo sư, một chính khách hay một chức sắc tôn giáo....
Sự nguy hiểm sẽ tăng lên "khủng khiếp" nếu như những kẻ chống phá đất nước không ra mặt công khai mà núp bóng những điều tử tế. Đặc biệt là khi chúng có chân trong nội bộ đảng, trong bộ máy nhà nước, chiếm giữ những vị trí quan trọng trong hoạch định đường lối, chính sách, trong xây dựng pháp luật...
Dưới góc nhìn khác, hậu quả cũng sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu như một quan chức cao cấp, một ĐBQH, một nhà khoa học... dù chưa có cơ sở nào để kết luận tiếp tay cho các thế lực thù địch, chống phá đất nước, nhưng lại có những phát biểu quy chụp, thậm chí vu khống cả một ngành trên diễn đàn Quốc hội. Sự so sánh này có thể là hơi khập khiễng, nhưng nó phản ánh một hiện tượng đã xảy ra trên thực tế. 
Tiếng nói của một người dân rất khó và rất lâu mới có thể tới được nơi cần đến, nhưng tiếng nói của một đại biểu Quốc hội thì gần như ngay lập tức lan tỏa tới mọi người, bất kể trong hay ngoài nước. Với người dân, tiếng nói của ĐBQH gần như chân lý, quyền lực. Vì thế, sẽ rất nguy hiểm nếu như ĐBQH nói sai. Hậu quả sẽ là khủng khiếp. Trường hợp của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng là một ví dụ sinh động.
Công khai trước diễn đàn quốc hội, hôm 31/10, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra chất vấn như sau: “Đối với lĩnh vực Công an tôi rất ủng hộ cuộc cách mạng trong lĩnh vực Công an vừa qua, nhưng mà qua báo cáo thì mới thấy rằng như thế này, vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%… Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong việc này”.
Phát biểu của anh Lưu Bình Nhưỡng nặng về tố cáo ngành công an hơn là chất vấn có tính chất xây dựng. Nó phủ sạch toàn bộ công lao, thành tích, nỗ lực của cán bộ chiến sĩ của cả một lực lượng đồng thời "tố cáo" ngành công an sai phạm nghiêm trọng. Đánh giá  đó đã làm tổn thương cán bộ chiến sĩ công an; làm mất niềm tin của người dân đối với ngành công an và tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch xuyên tạc bản chất chế độ. 
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên anh Lưu Bình Nhưỡng có thái độ như thế này với ngành công an và cũng không phải lần đầu anh Nhưỡng sử dụng những dữ liệu không được kiểm chứng, những con số sai lệch do anh tự làm ra để thóa mạ ngành công an và làm sai bản chất của vấn đề. Những con số được hình thành từ khả năng tư duy và kỹ năng tính tỷ lệ phần trăm của anh nếu là thật thì đó là sự sỉ nhục khủng khiếp đối với ngành công an.
Hậu quả của những phát ngôn trên là không thể đo đếm được, và nói theo cách của anh Nhưỡng là "vô cùng khủng khiếp".
Việc phản ứng của Đảng ủy công an Trung ương, của cử tri tỉnh Bến tre, của các ĐBQH khác và cả của cộng đồng mạng đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề. 
Anh Nhưỡng thiếu thành khẩn với cử tri cả nước khi được đại biểu khác và cộng đồng mạng chỉ ra cho anh thấy cái sai của mình. Anh Nhưỡng cũng thể hiện thái độ hằn học, cố chấp, bảo thủ, lấp liếm khi được yêu cầu xin lỗi, đính chính lại thông tin. Phản ứng "đánh bùn sang ao", "cả vú lấp miệng em", "đánh lận con đen" để phân tán sự tập trung vào cái sai của anh là rất khủng khiếp!
Anh Lưu Bình Nhưỡng là người mở miệng ra là "cách mạng 4.0" và ai cũng biết anh dùng FB để tương tác với bạn bè, "lắng nghe" ý kiến người dân. Trong bài thanh minh trên FB của mình, anh nhận được nhiều ý kiến phản hồi, khen có, chê có. Lẽ ra anh nên khách quan nghe cả 2 chiều, nhưng anh không làm thế. Bằng cách chặn và xóa bỏ thẳng thừng những lời góp ý trái chiều của người dân, chỉ giữ lại những comment ủng hộ mình, anh đã vô tình lộ điểm yếu. Nhìn vào những ý kiến mà anh giữ lại, người ta sẽ thấy tính một chiều và nhanh chóng biết chủ nhân của những ý kiến đó là ai, là đối tượng nào, quan điểm chính trị ra làm sao... từ đó suy ra bản chất của anh và biết anh đang cùng hội cùng thuyền với loại người nào. Thật khủng khiếp!
Chuyện lùm xùm về anh Lưu Bình Nhưỡng rõ ràng là không hay nhưng nó cũng gợi ý cho chúng ta nhiều điều về trình độ, tư cách, cũng như văn hóa tranh luận, văn hóa xin lỗi, văn hóa từ chức của một ĐBQH và nhiều khía cạnh khác. 

Quan điểm của tôi, tốt nhất anh Lưu Bình Nhưỡng nên biết tự trọng mà xin rút, đừng để Quốc hội phải bàn đến chuyện có nên bãi miễn chức danh ĐBQH mà anh đang sở hữu hay không. Rất khủng khiếp đấy, anh Nhưỡng ạ.
***
Có thể còn nữa


Theo Blog Tre Làng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét