Thỉnh thoảng đi trên đường hoặc ngồi quán cafe, tôi lại nghe đâu đó: "Mấy thằng Công an lại lượn bắt xe kìa" hoặc "Công an đến kìa, chắc lại muốn làm luật?!"
Tôi chợt nhớ đến vụ việc đang rất "nóng" trên các trang báo điện tử và mạng xã hội liên quan đến chuyện anh thợ điện Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ bị xử phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD tại cửa hàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ.
Trước đó ông Rê mang 100 USD đến tiệm vàng Thảo Lực (TP Cần Thơ) đổi lấy 2,2 triệu đồng tiền Việt thì bị lực lượng chức năng lập biên bản. Sau đó UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt ông Rê 90 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; đồng thời tịch thu số tiền ông đổi được. Một số trang mạng xã hội đồng loạt bày tỏ sự thương cảm đối với hoàn cảnh của anh thợ điện; một số ý kiến cho rằng việc xử phạt đó là quá nặng, chỉ nên nhắc nhở, cảnh cáo. Một số trang báo điện tử đăng tải bài viết có tiêu đề nghi ngờ quá trình thực thi pháp luật của Công an TP.Cần Thơ, như: “Tịch thu 20 viên kim cương hồi môn: Lạ lắm!”; “ Công an Cần Thơ hoãn họp báo, không nhắc chuyện vì sao khám xét nhà”; Phạt dân vì đổi tiền phạm luật: khác nào’đánh úp’ người dân?...
Căn cứ Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì việc xử phạt anh Nguyễn Cà Rê là đúng theo quy định.Theo luật, người dân có quyền mang, cất giữ USD trong nhà hay gửi ngân hàng. Tuy nhiên, người dân chỉ được phép mua, bán tại các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép giao dịch ngoại tệ.
Công an nhân dân - vì dân phục vụ |
Chúng ta đã quen với những câu truyền tai nhau vì tình hay lỗi như thế làm gì đến mức phạt đó; mức xử phạt 90 triệu đồng cho hành vi đổi tiền 100USD là quá nặng, bất hợp lý hoặc người dân có thói quen mua bán ngoại tệ ở "chợ đen" hoặc những nơi gần nhất để thuận tiện cho công việc hàng ngày.Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng khi xây dựng một Nhà nước pháp quyền thì tất cả mọi hoạt động đều phải tuân theo pháp luật. Nếu không bị phạt tiền, người dân sẽ vẫn còn thái độ ỷ lại, sẽ vẫn sai phạm và tiếp tục mua bán ngoại tệ tại những địa điểm chưa được cấp phép. Việc làm tưởng chừng như ấy chẳng khác nào đang ủng hộ những hành vi phạm pháp luật.
Đôi lúc tôi nhìn lại cuộc đời của những chiến sĩ Công an thâm trầm không thể làm sao để nhận được trọn vẹn tình cảm và sự cảm thông từ người dân. Ai cũng đều bắt phải tuân theo Luật mà làm, nhưng khi đụng đến quyền lợi thì họ lại nói xấu, mắng nhiếc, thậm chí là xuyên tạc. Có khi nào họ nghĩ đến việc nửa đêm khi mọi người đang ngon giấc thì các chiến sĩ Công an lại thức trắng đêm phối hợp với lực lượng khác chống bọn ma túy, bọn buôn lậu, trộm cướp...Khi mọi người đang sum họp, quây quần bên gia đình trong những ngày lễ, Tết thì lực lượng Công an vẫn đang làm nhiệm vụ ngày đêm… Ấy thế mà, khi có một phản ánh tiêu cực nào trên các trang báo hoặc mạng xã hội, mọi người lại vội đưa ra những lời bình luận gay gắt về lực lượng Công an.
Thông tin xuyên tạc, bịa đặt dù nguy hiểm khôn lường nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi người dân cần xây dựng cho mình tư tưởng vững vàng trước thông tin bịa đặt; luôn kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Hành xử với loại thông tin bịa đặt trên, chúng ta không được sa đà, mất thời gian vô bổ cho những chia sẻ, bình luận không cần thiết, thậm chí lợi bất cập hại. Nhưng khi cần, chúng ta sẽ lên tiếng đấu tranh, phản bác bằng những thông tin chính thống, công khai, minh bạch để ánh sáng sự thật đẩy lùi bóng tối thông tin lừa dối. Đừng chỉ vì các hiệu ứng lan truyền từ mạng xã hội mà người dân có cái nhìn khác về lực lượng Công an - những người ngày đêm bảo vệ họ.
ĐÔNG PHIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét