Trong những ngày gần đây, dư luận sôi động về đạo đức, nhân phẩm của nhà báo trong hoạt động tác nghiệp của mình.
Đặc biệt, Bộ Thông tin - Truyền thông liên tục có những chấn chỉnh về hoạt động báo chí, mới nhất là văn bản “nhắc nhở” các Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú trong mối quan hệ với chính quyền địa phương, doanh nghiệp.
Thực trạng cho thấy, đã từ lâu xuất hiện tình trạng vòi vĩnh, ép buộc doanh nghiệp phải đưa quảng cáo hay “hỗ trợ” một khoản tiền, thậm chí không hiếm trường hợp nhà báo bị bắt quả tang nhận tiền từ doanh nghiệp, người dân, một số người đã bị tuyên án phạt tù.
Hoặc, tình trạng “đánh hội đồng” mà văn bản của Bộ TTTT gọi là “liên minh báo chí” nhằm vào một đối tượng nhất định nào đó với mục đích không trong sáng trở thành “phương pháp” tiếp cận thông tin của một số nhà báo.
Cách đây không lâu, với một trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục, có hẳn một “bảng giá” các tờ báo nếu đăng bài phản ảnh. Thái độ khụng khiệng, kẻ cả của nhà báo khi tiếp xúc với cơ quan chức năng, người có trách nhiệm hoặc doanh nghiệp đã bị dư luận phê phán.
Trong ngôn ngữ mạng, xuất hiện cụm từ “nhà báo đếm tầng” để chỉ những người chuyên soi mói, tìm những vi phạm trong xây dựng để hù dọa, kiếm tiền.
Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của báo chí hiện nay với việc phản ảnh và điều tra phanh phui các tiêu cực của xã hội, đặc biệt là vai trò tiên phong trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Để có được vai trò không thể thay thế đó thì đó là kết quả của đường hướng hoạt động truyền thông, cái tầm của người đứng đầu cơ quan báo chí và cái tâm, cái tài của phóng viên tác nghiệp.
Chức năng lớn nhất của báo chí là tiếp cận, xử lý và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, phản ảnh mọi mặt các diễn biến của đời sống xã hội, chính từ chức năng đặc trưng này là tiếng nói của công luận mới trở thành quyền năng là sự biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu, đấu tranh với tiêu cực, chống lại bất công xã hội, tiếng nói của đạo lý và pháp luật.
Nhà báo là người thực hiện để duy trì quyền năng đó chứ không tạo ra quyền năng, cho nên không được phép ngộ nhận quyền lực của riêng mình mà hành xử như người đại diện cho quyền năng.
Hơn nữa, văn hóa người làm báo cao nhất là sự hiểu biết sâu rộng kiến thức nhân loại cũng như đời sống xã hội hiện đại, nắm bắt được dòng chuyển động, trào lưu của thời cuộc, thể hiện trong cách ứng xử vào mỗi bài viết của mình, bao gồm cả bản lĩnh, tri thức cũng như nhãn quan người làm báo.
Cũng phải nói rõ thêm về những người không phải nhà báo, phóng viên nhưng tham gia vào “nồi cơm” của tòa soạn, đó là đội ngũ cộng tác viên quảng cáo.
Thực trạng là đội ngũ này được một số tờ báo trao quyền hành khá lớn, nhân danh báo để thực hiện mỗi chức năng là mang càng nhiều quảng cáo về càng tốt, mặc cho các biện pháp và thói hành xử của họ với đối tác.
Một số tờ báo, tạp chí lại giao khoán chỉ tiêu bắt buộc phải lấy quảng cáo cho những người làm hợp đồng với báo, thậm chí khoán cho cả đội ngũ cán bộ, phóng viên trong tòa soạn.
Những động thái này làm giảm đi hình ảnh tốt đẹp, công tâm, công luận của giới báo chí. Đành rằng, báo chí sống bằng nguồn thu lớn từ quảng cáo nhưng cách để có nhiều quảng cáo phải chính bằng nội lực làm nên thương hiệu của tờ báo đó.
Văn hóa báo chí thể hiện bằng văn hóa của những người làm báo. Cái văn hóa đặc trưng của sức mạnh truyền thông phải đường hoàng, minh bạch, sạch sẽ và ấn tượng như trên trang nhất của mỗi tờ báo!
http://www.phapluatplus.vn/van-hoa-bao-chi-d48364.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét