12/18/2017

BOT - Chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong tình hình hiện nay


Người dân cần có sự cảnh giác cao trước các thủ đoạn kích động, lôi kéo tụ tập gây rối của các đối tượng xấu, gây mất ANCT, TTXH. Hãy tỉnh táo trước mọi thông tin đa chiều hiện nay, đừng vì một vài con sâu mà làm rầu cả nồi canh, đừng vì vài vị tài xế rởm luôn tỏ ra anh hùng nhưng thực chất chỉ là những con rối cho các đối tượng phản động chỉ chờ cơ hội để làm loạn đất nước; đừng vị một Cai Lậy mà làm ảnh hưởng đến phần lớn các dự án BOT hiệu quả trên cả nước, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước hiện nay.

BOT là thuật ngữ viết tắt của cụm từ (Build - Operate - Transfer) hay còn gọi là Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao trong kinh tế. Theo Khoản 3, Điều 3, Nghị định về Đầu tư theo hình thức Đối tác Công tư Hợp đồng thì xây dựng - kinh doanh - chuyển giao là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể hơn là sau khi nhà đầu từ tiến hành xây dựng công trình giao thông (cầu và đường), nhà đầu tư có quyền kinh doanh công trình trong thời gian nhất định. Khi hết thời hạn thì lúc đó nhà đầu tư mới chuyển giao cho nhà nước quản lý.
Vì những dự án giao thông BOT đều là vốn của nhà đầu tư nên khi chạy xe trên đường là các công trình giao thông BOT, người tham gia giao thông đều phải trả tiền. Và để thu tiền của các phương tiện tham gia giao thông thì các chủ đầu tư sẽ xây những trạm thu phí. Số tiền thu được từ người tham gia giao thông sẽ được dùng vào việc chi trả, bảo trì và nâng cấp các tuyến đường. Hiện nay, mức tiền thu phí được nhà nước quy định và điều chỉnh theo từng thời điểm, từng loại hình phương tiện và từng tuyến đường khác nhau.
Hình thức đầu tư các công trình giao thông theo dạng BOT ở nước ta hiện đang phát triển khá mạnh. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của một quốc gia đang trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, thì việc kêu gọi sự đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực giao thông, là một chủ trương đúng đắn để huy động nguồn lực xã hội vào công cuộc hiện đại hóa hạ tầng giao thông ở nước ta.
Trên thế giới có rất nhiều nơi đã sử dụng hình thức đầu tư BOT như Pakistan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Bahrain, Saudi Arabia, Israel, Ấn Độ, Iran, Nhật, Trung Quốc, Malaysia… Một số bang của Mỹ như California, Florida, Texas cũng ưa chuộng BOT. Và thực tế, các dự án BOT đã giúp Bangkok và Đài Loan “lột xác” ngoạn mục trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Trên thế giới có thể liệt kê ra những dự án BOT nổi bật như dự án xây dựng đường hầm qua eo biển Manche giữa Pháp và Vương quốc Anh, dự án xây dựng sân bay quốc tế Kansai hàng đầu Nhật Bản hay tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc Nam của Thái Lan...Điều này càng củng cố thêm sự đúng đắn và hợp lý về chủ trương sử dụng mô hình BOT ở nước ta.
Các dự án BOT đã giúp rút ngắn thời gian vận chuyển người và hàng hóa, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện, đồng thời giảm chi phí, rủi ro, đảm bảo hiệu quả tài chính hoàn vốn đầu tư và tạo ra được một môi trường cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, với mô hình BOT, chính phủ có thể sử dụng được kinh nghiệm quản lý hiệu quả, sự sáng tạo, công nghệ hiện đại của khu vực tư nhân. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp thì mô hình BOT là một giải pháp hữu hiệu giảm sức ép về ngân sách, giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời xây dựng được các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, qua đó hỗ trợ kinh tế phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Lợi ích từ BOT mang lại ở nước ta là không thể phủ nhận, năm 2014, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đánh giá hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng tới 16 bậc so với năm 2012 (vị trí thứ 90), và tăng 29 bậc so với năm 2010 (vị trí thứ 103). Việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giám áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước. Chính yếu tố này đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. So với thời điểm các công trình chưa được đầu tư nâng cấp, các dự án BOT khi đưa vào khai thác giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác, chi phí nhiên liệu, khấu hao phương tiện, tiết kiệm thời gian của người sử dụng đường bộ... Người đi xe máy và xe thô sơ được sử dụng công trình có mức độ phục vụ tốt hơn mà không mất phí.



Tuy nhiên, ngoài kết quả mang tính đột phá từ BOT, cần phải thẳng thắn nhận diện những hạn chế, bất cập vì các dự án BOT hiện nay. Một số dự án BOT đặt trạm thu phí ngoài vùng đầu tư, đặt trạm thu phí tuyến đường này hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác. Thậm chí, một số trạm thu phí đối với người không tham gia giao thông trên tuyến đường theo hình thức BOT dẫn đến việc người dân bức xúc khi không đi mét “đường dịch vụ” nào cũng phải trả tiền. Đây cũng là điều trăn trở của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 18/11 về các dự án BOT giao thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra nhiều bất cập như quy hoạch hệ thống BOT chưa làm tốt, triển khai ồ ạt, thiếu quy hoạch, chồng chéo. Có những tuyến đường mà dư luận bất bình, bức xúc xã hội như số trạm, giá phí… Cơ chế, thể chế, chính sách về BOT còn nhiều bất cập. Đặc biệt, thiếu giám sát, thiếu kiểm tra cho nên có nhiều sai phạm. Hiện nay đang kiểm tra chấn chỉnh quyết liệt với tinh thần là xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực trong các lĩnh vực.
Tóm lại, bản chất của BOT không xấu, chỉ những người thực hiện triển khai không làm đúng quy định của pháp luật khiến BOT bị biến tướng. Cùng với đó, mấu chốt tại một số trạm BOT bị phản ứng quyết liệt hiện nay như BOT Cai Lậy - Tiền Giang, BOT Bến Thủy - Nghệ An… chính là mâu thuẫn lợi ích giữa doanh nghiệp BOT với doanh nghiệp vận tải chứ không phải người dân, nhưng truyền thông, báo chí lại thích nói là “người dân phản ứng”. Cộng thêm sự kích động, lôi kéo của các đối tượng xấu đã gây ra tình hình phức tạp về ANCT, TTXH trên địa bàn các tỉnh có dự án BOT.
Hiện nay, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang vào cuộc rất mạnh mẽ và quyết liệt để giải quyết các khúc mắc tại các dự án BOT trên cả nước nói chung và đặc biệt là tại các trạm thu phí BOT có tình hình phức tạp như BOT Cai Lậy nói riêng. Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, đến cuối năm 2019, sẽ thực hiện thu phí tự động tại tất cả các trạm BOT trên phạm vi toàn quốc.Tuy nhiên, giải pháp trước trước mắt để hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân trong khu vực trạm thu phí đó là miễn - giảm phí, áp dụng chính sách miễn phí đối với xe thô sơ, xe máy nông nghiệp, xe máy; đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, vé tháng để các phương tiện cơ giới có quyền đi lại nhiều lần nhưng chỉ trả phí một lần trong ngày… Một số trạm thu phí BOT đã đề xuất giảm giá vé như BOT Phụng Hiệp - Cần Thơ giảm giá vé 7-15%, BOT T1, BOT T2 trên quốc lộ 91, BOT Biên Hòa - Đồng Nai,…đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các doanh nghiệp vận tải và người dân.
Song song với các giải pháp từ các cơ quan quản lý, người dân cũng cần có sự cảnh giác cao trước các thủ đoạn kích động, lôi kéo tụ tập gây rối của các đối tượng xấu, gây mất ANCT, TTXH. Hãy tỉnh táo trước mọi thông tin đa chiều hiện nay, đừng vì một vài con sâu mà làm rầu cả nồi canh, đừng vì vài vị tài xế rởm luôn tỏ ra anh hùng nhưng thực chất chỉ là những con rối cho các đối tượng phản động chỉ chờ cơ hội để làm loạn đất nước; đừng vị một Cai Lậy mà làm ảnh hưởng đến phần lớn các dự án BOT hiệu quả trên cả nước, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước hiện nay.
Hai Quê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét