12/06/2017

LĂNG KÍNH PHÁP LUẬT: VỤ KHỦNG HOẢNG BOT CAI LẬY - TÀI XẾ ĐÚNG HAY SAI ?

(Xin trích dẫn một phần bài viết của một luật sư về vấn đề sai đúng trong cách hành xử cải các bác tài theo Luật để các bạn tham khảo)

Cái cách mà kền kền và một số luật sư hám fame trên các mặt báo, đang định hướng dư luận sai lầm, cố tình hiểu sai pháp luật để định hướng nhằm tư lợi cá nhân, hậu quả của nó thật sự là rất tai hại.
.............................
Tuy nhiên, cách mà các tài xế phản đối không phải là đúng. Không thể lấy cái sai này để sửa cái sai khác.
Hành vi của những tài xế chờ tiền thối để gây ách tắc giao thông là sai.
Vài mẹ bỉm sữa phát cuồng lên vì giải thích của vài vị Luật sư, theo đó, (1) việc mua vé qua trạm, chờ tiền thối 100 đồng là giao dịch dân sự giữa tài xế và (2) bên thu phí và công an không có quyền vào cuộc cẩu xe đi vì đây là giao dịch dân sự giữa hai bên.

Khía cạnh thứ nhất:
Giao dịch dân sự giữa tài xế và chủ đầu tư thu phí đường bộ ở đây nằm trong khuôn khổ phạm vi giữa việc mua vé - phát vé - và đưa tiền thối. Câu chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu như ông tài xế đánh xe ra một đoạn để chờ tiền thối để cho các xe khác lưu thông.
Cần nói rõ, khi chưa có 100 đồng thối lại, nhân viên trạm đã đề nghị trả hơn 100 đồng cho tài xê, và cũng đề nghị tài xế ra chỗ khác để nhận nhằm đảm bảo lợi ích cho những người khác.
Khi nhân viên trạm đề nghị đỗ ra chỗ khác thì đó là một thiện chí, song anh tài xế không chấp nhận, vì thế giao dịch vô hiệu.
Xin trích dẫn 01 trong 05 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015:
"Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác."
Hành động cố tình đứng chờ tiền thối đã gây ách tắc giao thông. Hành động này đã trực tiếp gây ảnh hưởng cho những người chờ ở sau (ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác). Và nó đã xâm phạm đến lợi ích công cộng (gây ách tắc giao thông).
Vậy, giao dịch dân sự lúc này sẽ là một giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của Điều 123 Bộ luât dân sự 2015: "Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội".
Khía cạnh thứ 2:
Các tài xế quá khích đã vi phạm luật hành chính và thậm chí là luật hình sự.
Thực tế ở trạm BOT Cai Lậy cho thấy, cảnh sát giao thông có trách nhiệm và nghĩa vụ điều tiết giao thông, và ở đây, khi thấy tài xế chây ỳ không chịu di chuyển về nơi thu tiền lẻ CSGT đã yêu cầu họ ra khỏi vị trí gây ùn tắc giao thông. Đáp lại, các tái xế không chấp hành. Tôi hiểu, ý đồ của các tài xế cố tình chây ỳ không phải để gây ùn tắc, mà để phản đối BOT, song hành động của họ đã gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Hành vi này là vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Tùy vào mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cản trở giao thông đường bộ.
Việc tài xế dùng tiền lẻ để trả phí và yêu cầu thối lại 100 đồng (đưa 25.100 đồng và yêu cầu nhân viên trạm BOT Cai Lậy thối lại 100 đồng) không có gì là trái luật; tuy nhiên, khi Cảnh sát giao thông (CSGT) đến yêu cầu tài xế chạy xe vào vị trí khác để đợi tiền thối nhằm tránh ùn tắc giao thông mà tài xế không thực hiện thì đó là hành vi vi phạm pháp luật giao thông nghiêm trọng.
Theo Điểm a Khoản 3 Điều 37 của Luật giao thông đường bộ 2008 thì CSGT hoàn toàn có quyền điều tiết giao thông và hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông.
Tại Điểm b Khoản 5 Điều 5 của Nghị định 46/2016 cũng quy định rõ: “Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô nếu không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông”.
Theo Điểm đ Khoản 4 Điều 5 của Nghị định 46/2016 thì hành vi dừng xe ô tô trái quy định mà gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
Ngoài ra, nếu người nào tham gia giao thông mà có hành vi gây ùn tắc giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 của Bộ luật Hình sự 1999; mức phạt tối đa đối với tội danh này lên đến 10 năm tù giam.
Điều 203.Tội cản trở giao thông đường bộ - Bộ luật Hình sự 1999
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ;
b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;
c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ;
d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách;
đ) Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường;
e ) Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ;
g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ;
h) Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ - Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017)
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
Như vậy, với hành vi của các tài xế và hậu quả được thấy rõ qua các video clip hoặc hình ảnh được báo chí và được chính các tài xê tung lên mạng, thì CSGT cẩu xe của họ đi nơi khác là còn quá nhẹ nhàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét