12/26/2017

Từ cái “phong bì” Tết đến những cái “bắt tay” tiền tỷ

Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/12/2017 về việc tổ chức Tết năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa mới được ban hành yêu cầu: “Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo các địa phương; các địa phương không chúc Tết cấp trên và Trung ương”.


Đồng thời, chỉ thị này cũng nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức.
Đây có lẽ là một trong những chỉ đạo được người dân dõi theo nhiều nhất thời điểm nay, khi mà chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán 2018 - dù đây không phải lần đầu tiên chỉ thị “nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết” được đưa ra.
Thực tế, trong năm vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành “lệnh cấm” tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì.
Thủ tướng nói tại một cuộc họp của Chính phủ: “Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”. Kết quả, việc chúc Tết lãnh đạo trong năm 2017 đã giảm 70% so với năm trước đó.
taydo24h.com
Trên báo Vietnam Net ngày 03/02/2017 bài “Chúc Tết lãnh đạo giảm 70% so với năm ngoái” cho biết bản thân Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: “Tết này tôi không nhận bất kỳ suất quà nào của bất cứ ai. Tôi cũng yêu cầu Bộ không tiếp khách trong ngày Tết”.
Không biết có bao nhiêu lãnh đạo cơ quan bộ, ngành, địa phương có thể tự tin quả quyết như ông Tuấn, và con số 70% thật khó định lượng, nhưng cũng khiến người dân phần nào cảm thấy vui mừng, phấn khởi. Có vẻ như chưa bao giờ chủ trương cấm biếu quà Tết lại được đón nhận và thực hiện tích cực như vậy!
Trên báo chí, tình trạng xe cộ tấp nập vào ra, xếp hàng trước nhà quan chức vào dịp lễ Tết trong năm qua được cho là đã giảm mạnh. Người ta hy vọng, từ những chủ trương này, không lâu nữa sẽ dẹp bỏ được một thói quen (vốn là một nét văn hoá) nhưng đã biến tướng thành một tệ nạn: hối lộ, đút lót.
Bởi ai chẳng biết, bên cạnh số ít những cuộc chúc Tết trong sáng, không mục đích, vụ lợi thì phần lớn, kèm trong những món quà Tết, nhưng phong bì Tết đều là những thoả thuận ngầm, là một bản ghi nhớ “nâng đỡ” về sau. Làm gì có dịp nào thuận tiện hơn, hợp lý hơn dịp Tết để các mối quan hệ được nảy sinh, được siết chặt?! Cấp dưới thì xu nịnh cấp trên, “chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển”. Kẻ làm quan thì “nhận đặt gạch” quan tâm cho một dự án, tạo thuận lợi cho một mối làm ăn…
Người xưa đã nói rồi: “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, thói đời làm gì có chuyện biếu xén, cho không nhau cái gì! Quà cáp cũng là một khoản “đầu tư” không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn vậy!
Như trường hợp Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại đã bình luận rằng: “Một bên có tài sản “vàng” còn một bên có tiền, và sẽ lại quả theo thỏa thuận là điều đáng lo ngại. Còn một vài hiện vật cụ thể như tặng ô tô sang hay căn hộ… chỉ là những thứ nhìn thấy nhưng tỉ lệ đó theo tôi là rất nhỏ. Cái nhiều người lo ngại chính là sự “móc ngoặc” đã tới mức xảy ra tình trạng “lũng đoạn”, ngang nhiên coi thường xã hội thì rất ghê gớm”.
Như vậy, từ những phong bì, bọc quà Tết đến những cái bắt tay tiền tỷ đều có thể là những nấc thang để dần tạo nên những Vũ “nhôm”, những chân dung “mafia” kinh tế.
Vấn đề nằm ở chỗ, theo như ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) có lần phát biểu, việc tặng quà Tết trái quy định không phải ăn trộm, ăn cắp nên khó “bắt quả tang”. Việc người dân phản ánh qua đường dây nóng phải có quá trình xem xét để tránh việc lợi dụng, gây ảnh hưởng đến danh dự của người liên quan. Thế nên, thú thực, quanh việc giảm về số lượng 70% việc chúc Tết trong năm qua vẫn còn khiến dư luận không ít băn khoăn!
Và nói cho cùng, tết nhất cũng chỉ một dịp mà thôi, còn bao nhiêu dịp khác, bao nhiêu hình thức “biến thái” trá hình khác. Thế nên cuộc chiến chống tham nhũng, chống chủ nghĩa tư bản thân hữu vẫn còn là một cuộc chiến dài hơi.
Bích Diệp (Dân Trí)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét