7/26/2018

TÓM TẮT VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ DƯ LUẬN QUANH VỤ ĐÌNH BẢN BÁO TUỔI TRẺ ONLINE

Chiều tối ngày 16/07/2018, Bộ Thông tin – Truyền thông đã ra quyết định xử phạt báo Tuổi Trẻ 220 triệu VNĐ, và đình bản phiên bản online của báo này trong 3 tháng. Theo quyết định xử phạt, thì báo Tuổi trẻ Online đã có hành vi “thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng” trong bài “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình”, đăng ngày 19/6/2018; và “thông tin gây mất đoàn kết dân tộc” trong phần bình luận của bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?”, đăng ngày 26/5/2017. Cụ thể, trong bài viết thứ nhất, báo Tuổi Trẻ đưa tin rằng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đồng ý rằng cần ban hành Luật Biểu tình trong một cuộc tiếp xúc cử tri TP.HCM, trong khi thực ra ông Quang không nói như vậy. Trong phần bình luận của bài viết thứ hai, một độc giả đã viết rằng “Bắc kỳ cai trị Nam kỳ mà!”, nhưng đoạn này không bị xóa.
Ngay sau khi bị đình bản, trang Facebook của báo Tuổi Trẻ Online đã đăng một khung avatar có dòng chữ “Tuổi Trẻ Online – Niềm tin của bạn!”. Các phóng viên Tuổi Trẻ Online đồng loạt dùng khung avatar này, tạo thành phong trào được một bộ phận cộng đồng mạng hưởng ứng. Đồng thời, báo Tuổi Trẻ Online cũng tiếp tục hoạt động trên trang Facebook của họ.

Hôm sau, sáng 17/07, một số cựu phóng viên các báo chính thống bắt đầu khai thác chủ đề này để tuyên truyền chính trị [5]. Một mặt, họ tuyên truyền rằng trong hệ thống báo chí của Việt Nam “không có tự do ngôn luận”, khi tìm cách biến báo chí thành “công cụ truyền thông” của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, họ kêu gọi chuyển sang mô hình quản lý báo chí của Mỹ, trong đó không có bất cứ cơ quan nhà nước nào cấp thẻ nhà báo, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ quan truyền thông, xử phát hành chính các cơ quan truyền thông; và báo chí chỉ bị chế tài nếu bị kiện ra tòa án.
Cụ thể, khoảng 8h sáng ngày 17/07, ông Nguyễn Bảo Trung, cựu phóng viên báo Thanh Niên, tuyên truyền rằng Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ nên “đấu tranh công khai cho chính mình, cho tự do báo chí” [1]. Đến khoảng 12h trưa cùng ngày, ông Trung tiếp tục viết post đề nghị thay đổi nền báo chí theo mô hình của phương Tây, trong đó mỗi cơ quan báo chí hoạt động như một doanh nghiệp bình thường, chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Hình sự và Luật Dân sự, chứ không chịu sự quản lý và chế tài của Nhà nước [4].
Cùng thời điểm 8h sáng ngày 17/07, Trương Huy San (cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ) viết rằng vì báo Tuổi Trẻ tự kinh doanh để duy trì hoạt động của mình, chứ không lệ thuộc vào ngân sách của Nhà nước, Nhà nước nên “đối xử với Tuổi Trẻ” “như một doanh nghiệp”, thay vì “như một công cụ truyền thông”. Cụ thể, ông San đề nghị kỷ luật riêng những người có sai phạm, thay vì đình bản một tờ báo liên quan đến sinh kế của nhiều phóng viên [2].
Khoảng 12h trưa 17/07, ông Đặng Tâm Chánh (cựu Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị) viết một bài dài trên Facebook cá nhân để khai thác vụ việc. Trong bài, ông Chánh tuyên truyền rằng khi đình bản vĩnh viễn báo Sài Gòn Tiếp thị và đình bản 3 tháng báo Tuổi Trẻ Online, nhà nước đang tìm cách ngăn cấm các tờ báo sống bằng tiền của độc giả thay vì “tiền của Đảng”; đang vi phạm quyền tự do báo chí; và vi phạm quyền làm việc để mưu sinh của các phóng viên. Ngoài ra, ông Chánh cũng viết rằng Nhà nước “không có quyền” đình bản báo chí khi báo chí có sai phạm [3].
Cũng trong ngày 17/07, một phóng viên giấu tên nói trên RFA tiếng Việt rằng việc tạm đình bản báo Tuổi Trẻ Online cho thấy chế độ của Việt Nam “là chế độ độc tài độc đảng”, “có tham vọng khống chế tự do ngôn luận”, “chỉ coi báo chí là công cụ để phục vụ chế độ” [7].
Cùng ngày, trên Luật khoa Tạp chí, Nguyễn Quốc Tấn Trung ca ngợi mô hình quản lý báo chí ở Mỹ, trong đó không có bất cứ cơ quan nhà nước nào cấp thẻ nhà báo, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ quan truyền thông, xử phát hành chính các cơ quan truyền thông; và báo chí chỉ bị chế tài nếu bị kiện ra tòa án [8]. Gần 1 tháng trước, trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06), Luật khoa Tạp chí cũng đã đăng 2 bài dài để tuyên truyền theo hướng tương tự, và mở thêm Tag “Tự do báo chí” ngay sau đó [10].
Vì Luật khoa Tạp chí được quản lý bởi hai cựu phóng viên báo chính thống, là Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang, có thể nói giới cựu phóng viên đóng vai trò quan trọng trong dư luận phản đối vụ tạm đình bản.
Ngoài hướng tuyên truyền trên, nhiều cá nhân chống đối cũng đồng loạt viết trên Facebook rằng họ “không tin” báo Tuổi Trẻ trích dẫn sai lời Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Vì các cá nhân vừa kể đã nêu ra rất nhiều vấn đề trong vụ việc, mình xin bóc tách từng vấn đề một để thính giả được rõ.
Trước hết, chúng ta có lý do để tin rằng phóng viên báo Tuổi Trẻ đã thật sự trích dẫn sai lời Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hiện nay, đã có hai nguồn tin khẳng định điều đó.
Nguồn tin đầu tiên là các phóng viên báo Tuổi Trẻ. Ngày 16/07, khi đài RFA nhắn tin cho một phóng viên báo Tuổi Trẻ để tìm hiểu về nội tình vụ việc, phóng viên đó đã trả lời như sau [6]:
“Phóng viên sai, trích ẩu. Biên tập viên thông qua không kiểm tra lại. Tuổi Trẻ Online sai rồi bị phạt là đúng. Đó chỉ là đề nghị của cử tri.”
Nguồn tin thứ hai là ông Nguyễn Bảo Trung, cựu phóng viên báo Thanh Niên. Ngày 17/07, Trung viết trên Facebook cá nhân rằng theo ông tim hiểu, thì “ông Trần Đại Quang không nói cần có luật biểu tình như báo Tuổi Trẻ đã dẫn trong bài viết. Đó là ý kiến của một cử tri nhưng không hiểu sao phóng viên lại “gắn” cho ông Chủ tịch nước”. Vì Nguyễn Bảo Trung đã chuyển thành một cây bút “lề trái”, ông không có nhiều động cơ để nói dối trong vụ này.
Như vậy, nhiều khả năng báo Tuổi Trẻ Online đã đưa tin sai sự thật, chứ không bị “vu cáo” như nhiều nhân vật chống Cộng đang đặt giả thuyết.
Trong vụ việc này, báo Tuổi Trẻ Online đã có hành vi “Thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” - bị nghiêm cấm theo Khoản 8 Điều 9 của Luật Báo chí 2016. Do đó, báo này xứng đáng bị kỷ luật bằng hình thức đình bản tạm thời và phạt tiền, theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 của Luật Báo chí 2016. Như vậy, khi Bộ Thông tin – Truyền thông tạm đình bản báo Tuổi Trẻ Online, Bộ đang làm luật. Cựu nhà báo Đặng Tâm Chánh không nên nói rằng Nhà nước “không có quyền” đình bản báo chí sai phạm, trừ phi ông phủ nhận luật pháp Việt Nam.
Vậy khi xử phạt báo Tuổi Trẻ Online, chính phủ có vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân hay không? Mình cho là không, vì quyền tự do ngôn luận không bao gồm quyền đưa tin sai sự thật. Ở một số nước áp dụng mô hình đa đảng, hành vi đưa tin sai sự thật còn bị nghiêm trị hơn ở Việt Nam. Chẳng hạn, ngày 02/04/2018, Nghị viện Malaysia đã ban hành “Đạo luật Chống Tin Giả”, theo đó bất cứ ai làm ra hoặc chia sẻ thông tin sai sự thật trên Internet sẽ bị xem là phạm luật hình sự, với mức án tù lên đến 6 năm, và mức tiền phạt lên đến 128 nghìn dollar Mỹ. Ở Đức, hành vi đăng tải lên báo chí hoặc Internet các nội dung sai sự thật, phỉ báng tổng thống, phỉ báng nhà nước, phỉ báng tôn giáo, các nội dung có tác động phá hoại trật tự công cộng, kích động hận thù… đều bị xem là phạm tội hình sự. Ngày 30/06/2017, Đức đã ban hành “Đạo luật Chế tài Mạng”, cho phép chính phủ Đức yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ những nội dung trái luật vừa nêu, nếu không muốn phải nộp khoản tiền phạt lên đến 50 triệu Euro [9]. Như vậy, các phóng viên, biên tập viên chịu trách nhiệm về vụ đưa tin sai của báo Tuổi Trẻ có thể còn phải chịu mức phạt lớn hơn nếu họ sống ở Malaysia và Đức.
Tiếp theo xin bàn về lời đề nghị áp dụng mô hình quản lý báo chí ở Mỹ, trong đó không có bất cứ cơ quan nhà nước nào cấp thẻ nhà báo, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ quan truyền thông, xử phát hành chính các cơ quan truyền thông; và báo chí chỉ bị chế tài nếu bị kiện ra tòa án. Theo mình được biết, thì mô hình này đã hoạt động một cách khá hiệu quả ở Mỹ từ sau Thế chiến II đến nay. Tuy nhiên, có 3 lý do khiến mình tin rằng mô hình này chưa phù hợp với điều kiện hiện nay ở Việt Nam.
Thứ nhất, để đạt được mức độ phát triển như hiện nay, nền báo chí tự do của Mỹ đã phải trải qua 230 năm liên tục phạm sai lầm. Chẳng hạn, từ ngày lập quốc đến năm 1830, báo chí Mỹ thường chia thành các đảng phái chính trị để công kích nhau, không khác các báo "lề phải" và "lề trái" của Việt Nam đang công kích nhau trên Internet. Từ năm 1872 đến năm 1920, khi Mỹ trải qua giai đoạn công nghiệp hóa, báo chí trở thành một nền công nghiệp béo bở, và nhà báo trở thành nô lệ của đồng tiền. Trong giai đoạn này, báo chí Mỹ thường câu khách bằng các tin giật gân, lá cải, vi phạm quyền riêng tư, giả khoa học. Khoảng giữa giai đoạn này, trùm truyền thông William Raldolph Hearst đã dùng các bản tin sai sự thật, phóng đại sự thật hoặc mang tính tuyên truyền một chiều để kích động dân Mỹ, góp phần làm bùng nổ chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha. Từ năm 1920 đến năm 1945, các tập đoàn lớn bắt đầu mua lại các tòa soạn, khiến báo chí Mỹ được điều hành bởi các doanh nghiệp thay vì các nhà báo. Cuối năm 1920, 1/4 số tờ báo ở Mỹ nằm trong tay 6 doanh nghiệp. Như vậy, trong khoảng 160 năm, mô hình quản lý báo chí của Mỹ đã không thoát khỏi những vấn đề mà mô hình Việt Nam đang mắc phải.
Trong 160 năm đó, nền “báo chí tự do” của Mỹ đã tự rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh để dần hoàn thiện, như Luật khoa Tạp chí đề cập. Nhưng họ làm được vậy vì Mỹ là một nước lớn, đất rộng, nằm tách biệt với thế giới. Nếu Mỹ cũng là một nước nhỏ, đất chật người đông, lại nằm trong một khu vực mà các cường quốc đang tranh chấp như Việt Nam, thì mọi trùm truyền thông Hearst đều có thể gây ra chiến tranh và hỗn loạn trong nội địa, khiến đất nước sụp đổ và nền báo chí thụt lùi. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, nhà nước quản lý báo chí là điều cần thiết.
Hiện nay, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang áp dụng quản lý nhà nước đối với báo chí. Chẳng hạn, Indonesia kiểm duyệt báo chí để tránh các xung đột tôn giáo và sắc tộc, Malaysia kiểm duyệt báo chí để bảo vệ bản sắc Hồi giáo trước các ảnh hưởng từ phương Tây, Singapore vừa kiểm duyệt báo chí, vừa buộc các báo phải đăng quan điểm của chính quyền bên cạnh quan điểm riêng của mình. Qua đó, có thể thấy mỗi quốc gia cần xây dựng hệ thống quản lý báo chí riêng, phù hợp với điều kiện của mình, thay vì bắt chước Mỹ một cách mù quáng.
Thứ hai, không phải Mỹ không có bất cứ cơ chế quản lý báo chí nào. Từ năm 1945 đến nay, nền báo chí Mỹ đã vận hành tốt nhờ cơ chế tự quản, trong đó các nghiệp đoàn báo chí giữ cho thành viên của mình tuân thủ các quy tắc đạo đức nghiệp vụ báo chí. Vì hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam và các NGO trong lĩnh vực báo chí – truyền thông đều quá yếu hoặc hoạt động không lành mạnh, chúng không thể quản lý báo chí thay cho Nhà nước.
Xét các yếu tố trên, mình tin rằng giới phóng viên Việt Nam nên tuân thủ tốt pháp luật, và tự giữ vững các chuẩn mực đạo đức, nghiệp vụ của mình, trước khi đòi hỏi một mức độ tự do báo chí lớn hơn từ Nhà nước.
Báo Tuổi Trẻ rất mạnh về tinh thần tự chủ và tinh thần chống tiêu cực. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phóng viên Tuổi Trẻ thường xuyên đưa tin không đầy đủ, tin sai sự thật mỗi lần bắt được dấu hiệu tiêu cực trong các chính sách của Nhà nước. Mong báo Tuổi Trẻ biết kiềm chế dục vọng chính trị, để tuân thủ tốt các nguyên tắc nghề nghiệp của mình. Không thể lau sạch nhà bằng một cái giẻ bẩn, và không thể chống tiêu cực trong xã hội bằng những bản tin chất lượng thấp.
NTH- GDCT
__________

CHÚ THÍCH:
[1] Status rằng Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ nên “đấu tranh công khai cho chính mình, cho tự do báo chí” - Nguyễn Bảo Trung (FB cá nhân), 17/07/2018, 07:57

[2] "TUỔI TRẺ" - Trương Huy San (FB cá nhân), 17/07/2018, 08:10

[3] "Tự do báo chí hay tự do đình bản?" - Đặng Tâm Chánh (FB cá nhân), 17/07/2018, 11:54

[4] "Trả lại báo chí cho dân sự" - Nguyễn Bảo Trung (FB cá nhân), 17/07/2018, 12:13

[5] "Mạng xã hội nói về vụ Tuổi Trẻ Online" - BBC tiếng Việt, 17/07/2018

[6] "Cơ chế: Sát thủ của tự do báo chí" - Cát Linh (RFA tiếng Việt), 17/07/2018

[7] "Phạt báo Tuổi Trẻ làm lộ bản chất sợ sự thật của Hà Nội" - RFA tiếng Việt, 17/07/2018

[8] "Quản lý báo chí Mỹ: Không giấy phép, không kiểm duyệt, không thẻ nhà báo" - Nguyễn Quốc Tấn Trung (Luật khoa Tạp chí), 17/07/2018

[9] "Làm luật chống tin giả: Trào lưu quốc tế nhiều hệ lụy" - Nam Quỳnh (Luật khoa Tạp chí), 18/07/2018

[10] Điểm tin lề trái số 5 (01/07/2018): Báo chí lề trái định cạnh tranh như thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét