3/05/2018

Suy nghĩ về BOT

Khi nhìn nhận các vấn đề có liên quan đến trạm BOT, người dân cần khách quan, xử sự theo đúng pháp luật. Tuy việc gây rối tại các trạm thu phí BOT đã gây sự chú ý của truyền thông và của Nhà nước để giải quyết kịp thời nhưng đó chỉ là giải pháp nhất thời, không phải phương pháp triệt để. Vì thế, thay vì tiếp tay gây phức tạp thêm tình hình thì hãy thường xuyên theo dõi động thái của các nhà chức trách để ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ để không bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, phá hoại tư tưởng.

Theo đánh giá một số vấn đề liên quan đến đầu tư và thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của các dự án đầu tư BOT, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT ở nước ta thời gian qua cơ bản phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Nó làm thay đổi diện mạo giao thông, đặc biệt là hệ thống cầu, đường có sự chuyển biến rõ rệt. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế và nguồn vốn ODA thu hẹp dần thì việc huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng và kinh tế nói chung; người dân tham gia giao thông được hưởng dịch vụ tốt hơn...
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã nổi lên các sự kiện thu hút dư luận liên quan đến các trạm thu phí BOT trên các tuyến đường trên cả nước. Dấy lên bức xúc của người dân, theo đó các đối tượng xấu đã lợi dụng vấn đề này để hoạt động kích động, lôi kéo gây rối làm ảnh hưởng phức tạp về ANTT. Một số phần tử kích động đang lợi dụng vấn đề này để tuyên truyền, lôi kéo người dân gây bất ổn an ninh trật tự và an toàn xã hội, kêu gọi các tài xế có tư tưởng bất mãn, quá khích công khai gây rối tại các trạm thu phí bằng những hình thức khác nhau, xung quanh đó luôn chờ trực những camera ghi hình trực tiếp để phát tán, tạo dư luận xấu trên các trang mạng xã hội. Điển hình như các tài xế khi qua trạm dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1.000  đồng vo tròn, nhét vào chai nhựa, thấm nước để trả tiền nhằm gây khó khăn cho nhân viên thu phí. Cố tình kéo dài thời gian qua trạm gây ách tắc giao thông, để phản đối mức giá thu cao và sự hợp lý vị trí đặt trạm thu giá dịch vụ.
Thuật ngữ BOT là viết tắt của cụm từ (Build - Operate - Transfer) có nghĩa là Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao trong kinh tế. Theo Khoản 3, Điều 3, Nghị định về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư hợp đồng thì Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hình thức đầu tư các công trình giao thông theo dạng BOT ở nước ta hiện đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của một quốc gia đang trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thậm chí, trong khoảng 5 năm gần đây, có hàng trăm hợp đồng BOT đang mọc lên như nấm vì nguồn lợi nhuận khổng lồ. Có thể hiểu nôm na thì những công trình này được hình thành trên cơ sở hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Sau khi nhà đầu từ tiến hành xây dựng công trình giao thông (cầu và đường), nhà đầu tư có quyền kinh doanh công trình trong thời gian nhất định. Khi hết thời hạn thì lúc đó nhà đầu tư mới chuyển giao cho nhà nước quản lý.
Vì những dự án giao thông BOT đều là vốn của nhà đầu tư nên khi xe chạy trên đường là các công trình giao thông BOT, người tham gia giao thông đều phải trả tiền. Và để thu tiền của các phương tiện tham gia giao thông thì các chủ đầu tư sẽ xây dựng những trạm thu phí. Trạm thu phí BOT là những trạm chốt được lập nên tại các tuyến đường thuộc dự án BOT với chức năng thu phí đường bộ của các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường đó. Số tiền thu được từ người tham gia giao thông sẽ được dùng vào việc chi trả, bảo trì và nâng cấp các tuyến đường. Hiện nay, mức tiền thu phí được Nhà nước quy định và điều chỉnh theo từng thời điểm, từng loại hình phương tiện và từng tuyến đường khác nhau.
Mức thu phí tại các trạm BOT được quy định theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Đối với các dự án đầu tư khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính (đối với đường quốc lộ) hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với đường địa phương). Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông, thì các dự án giao thông theo hình thức BOT thời gian qua đã bộc lộ không ít hạn chế, gây nhiều bức trong xã hội… vụ việc dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) “vỡ trận” là điển hình của sự bất cập trong đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.
Trong 5 năm (giai đoạn 2011 - 2016), Bộ Giao thông vận tải đã huy động 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm 90,2% tổng vốn huy động. Đến nay, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng, tất cả các dự án này đều thuộc lĩnh vực đường bộ. Việc xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt hạ tầng giao thông của nước ta, là bước đột phá lớn của ngành Giao thông vận tải giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia lĩnh vực giao thông vận tải, sau khi đi vào khai thác thu phí hoàn vốn theo lộ trình các dự án BOT đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế về chất lượng, trình tự phương thức thực hiện đặc biệt là tình trạng lộn xộn trong vấn đề thu phí gây bức xúc trong dư luận. Có thể nói nguyên nhân cơ bản làm phát sinh các bức xúc của người dân, đặc biệt là tài xế xung quanh các dự án BOT giao thông chính là việc đặt trạm thu phí, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ tiển ra để sử dụng dự án BOT. Cụ thể, nhiều trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách trên cùng tuyến đường hoặc vị trí đặt trạm chưa hợp lí. Đáng chú ý, theo quy định, hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới. Nhưng hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu.
Chúng ta thấy rằng, cần phải xây dựng quy hoạch BOT thu phí cả nước do Chính phủ phê duyệt, thậm chí cần có Nghị định chi tiết về BOT trong đó nêu rõ các quy định kiểm soát chi phí đầu tư, huy động vốn, quản lý hợp đồng, trách nhiệm cá nhân tổ chức, cơ chế công khai minh bạch về lựa chọn nhà đầu tư, về phương án tài chính… Có như vậy mới điều chỉnh được tình trạng đặt trạm thu phí dày đặc để thu phí như hiện nay. Đặc biệt, cần nhanh chóng thực hiện thu phí điện tử, thu phí không dừng tại các trạm BOT trên cả nước như vậy mới minh bạch và công khai về khoản phí mà nhà đầu tư.

Từ bức xúc của người dân về những bất cập trên các thế lực thù địch nắm vào đó để đi những chiêu bài tâm lý, đỗ mọi trách nhiệm cho Đảng và Nhà nước một cách mù quáng, ám thị tư tưởng của nhân dân để họ mất niềm tin vào sự quản lý của Chính phủ. Phủ nhận mọi cố gắng của Đảng và Nhà nước về việc ra sức tìm giải pháp khắc phục những hạn chế của BOT và đem lại lợi ích cho quần chúng. Thực tế các ngành, các cấp đề đã có những động thái tích cực vì lợi ích của người dân mà điều chỉnh, quản lý các dự án BOT có hiệu quả.
Hợp đồng BOT không thuộc ngân sách Nhà nước do Quốc hội phân bổ, nhưng về bản chất tài sản được hình thành từ sự chi trả của người dân, khi tài sản được bàn giao là tài sản quốc gia, là nguồn lực của đất nước, vì vậy Kiểm toán nhà nước cần tiến hành kiểm toán để đạt mục tiêu cuối cùng là: mức thu phí và thời gian thu phí có minh bạch hay không. Để đạt được mục tiêu đó KTNN nên kiểm toán: suất đầu tư, chi phí hợp lý, các ưu đãi đổi đất lấy hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư. Xác định vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng, quyết toán công trình, tỷ lệ lãi suất kinh doanh của nhà đầu tư. Đặc biệt chú trọng tỷ lệ vay vốn ngân hàng và vấn đề thanh khoản nhằm tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng như thời “bong bóng bất động sản”.
Từ kết quả đó, Kiểm toán nhà nước khuyến cáo cho các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ xem xét một cách cẩn trọng sự tăng trưởng GDP để quyết định điều chỉnh lộ trình tăng phí, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng hành với Chính phủ thực hiện Nghị quyết 35/CP và ổn định an sinh xã hội.
Mặt khác nếu phát hiện các vi phạm, tiêu cực, lợi ích nhóm thì đề nghị kiên quyết xử lý theo pháp luật, nghiêm khắc xử lý những người thi hành công vụ lơ là trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Về phía cơ quan Nhà nước: chúng ta cần rà soát các văn bản quy phạm, sửa đổi cho phù hợp với Luật đầu tư. Trước mắt khắc phục một số việc: điều chỉnh lại cự ly các trạm thu phí, kiên quyết dừng các dự án BOT chưa cấp bách, làm đường cao tốc phải đầu tư xây dựng mới đúng quy chuẩn, có Quốc lộ song song để người dân lựa chọn, minh bạch suất đầu tư và vốn chủ sở hữu, đẩy mạnh triển khai sớm thu phí một dừng và không dừng. Việc phải quyết toán xong mới thu phí gây khó khăn cho nhà đầu tư vì quyết toán công trình xây dựng rất phức tạp, nên quy định thời hạn quyết toán tối đa hoặc khối lượng cơ bản. Nhà nước cần tìm nguồn vốn để đầu tư theo hình thức hợp tác công tư. Nhà nước cần quan tâm đầu tư vào đường sắt để phù hợp đặc điểm địa hình Việt Nam, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.
Khi nhìn nhận các vấn đề có liên quan đến trạm BOT, người dân cần khách quan, xử sự theo đúng pháp luật. Tuy việc gây rối tại các trạm thu phí BOT đã gây sự chú ý của truyền thông và của Nhà nước để giải quyết kịp thời nhưng đó chỉ là giải pháp nhất thời, không phải phương pháp triệt để. Vì thế, thay vì tiếp tay gây phức tạp thêm tình hình thì hãy thường xuyên theo dõi động thái của các nhà chức trách để ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ để không bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, phá hoại tư tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét