3/22/2018

THỰC HƯ VIỆC PHI NHUNG BỊ KHÁN GIẢ LAO LÊN SÂN KHẤU ĐÒI BỒI THƯỜNG HƠN 30 TRIỆU

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền clip một phụ nữ bỗng dưng lên sân khấu nơi ca sĩ Phi Nhung đang biểu diễn cướp micro và nói mình bị kẻ gian lấy trộm 1 lượng vàng khi ngồi bên dưới xem biểu diễn. Sau đó, có thêm một số người khác cùng kéo lên sân khấu với hành vi tương tự. Sự việc xảy ra vào tối 17/3 tại chợ Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của báo chí và dư luận trong quần chúng nhân dân.

Có ý kiến cho rằng hành động người phụ nữ trên là không đúng, đã kêu nghèo sao còn có cả cây vàng ở trên người? tài sản của mình phải có ý thức giữ, sao mất lại bắt người khác chịu như vậy? có khả năng có sự giàn dựng để “ăn vạ” kiếm tiền của nhóm người này hay không? Có ý kiến lại cho rằng Ban tổ chức phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo ANTT trong sự kiện này để tránh những sự việc đáng tiếc như vậy xảy ra… Bên cạnh đó, một số trang Báo đã đưa nhiều bài viết mang tính một chiều, giật tít làm sai bản chất của vụ việc như “Ca sĩ Phi Nhung bị đòi tiền, xé rách áo khi biểu diễn ở Cần Thơ” hay “Khán giả mất một lượng vàng lên sân khấu ăn vạ ca sĩ Phi Nhung”… Chính những thông tin trên đã đã làm ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh con người miền Tây và đặc biệt là con người thành phố Cần Thơ trong mắt dư luận xã hội.
Tuy nhiên, sau khi xem xét kĩ nội dung clip trên và tìm hiểu thông tin từ Ban tổ chức cũng như người bị hại, tôi xin làm rõ cho mọi người một số thắc mắc còn tranh cãi mấy ngày qua như sau:
Thứ nhất: Về nhóm người lên sân khấu gây tranh cãi, theo xác minh thì có nhiều người không phải là người ở Cần Thơ. Những người này khi được hỏi thì trả lời là do hâm mộ ca sĩ Phi Nhung và chương trình nghệ thuật này miễn phí nên đã cùng cả gia đình đến Cần Thơ để xem. Do đó, nhiều ý kiến đánh đồng, vơ đũa cả nắm khi cho rằng con người Cần Thơ thế này thế kia là hoàn toàn sai sự thật. Bản thân tôi là người tỉnh lẻ đến làm việc ở miền Tây, sau thời gian dài tiếp xúc tôi biết rõ người dân Cần Thơ nói riêng và người miền Tây nói chung là những con người hào hiệp, hiếu khách, nhân ái và rất phóng khoáng. Vậy nên, chỉ qua lăng kính của một clip mà đánh đồng hình ảnh con người miền Tây, người Cần Thơ thế này, thế kia là hoàn toàn sai lầm.  
Thứ hai: Cũng về nhóm người này, một người phụ nữ trong nhóm có nói trong vụ việc trên là “gia đình chúng tôi rất nghèo”. Xin thưa, có ai nghèo mà có cả cây vàng trị giá mấy chục triệu đeo trên người không? Nghèo mà có vàng trưng trên người khi đi xem chương trình nghệ thuật không? Xin đừng lấy cái nghèo ra để biện hộ cho hành động đó. Có thể đằng sau vụ việc này có sự giàn dựng hay không tôi chưa nói đến, nhưng giữa hành động và lời nói của người phụ nữ này đã quá mâu thuẫn rồi. Nói thêm, đã là tài sản cá nhân thì phải biết tự bảo quản, có phải trẻ con đâu mà phải đòi hỏi người khác giữ đồ cho mình? Ai cũng trưng đồ ra, mất rồi đi đòi như kiểu này chắc các cơ quan, đoàn thể “vỡ nợ” mất.

Thứ ba: Về thông tin trên một số báo chí đưa trong mấy ngày gần đây, đặc biệt là một số bài viết có các tít đề như “Ca sĩ Phi Nhung bị đòi tiền, xé rách áo khi biểu diễn ở Cần Thơ” hay “Khán giả mất một lượng vàng lên sân khấu ăn vạ ca sĩ Phi Nhung” hay “Bị mất 1 cây vàng khi đang xem Phi Nhung biểu diễn, khán giả nhảy lên giật mic, xé rách áo nữ ca sĩ”… đã phản ánh hoàn toàn sai vụ việc. Nếu theo dõi kĩ clip chắc ai cũng biết rằng nhóm người trên có ý đòi hỏi Ban tổ chức chương trình chứ không có ý đòi tiền ca sĩ Phi Nhung. Khi nhóm người này lên sân khấu, ca sĩ Phi Nhung đang ở sau cánh gà để chờ lên biểu diễn, sau khi biết được vụ việc, Phi Nhung đã nhẹ nhàng trấn tĩnh nhóm khán giả này và thuyết phục họ xuống phía dưới để chương trình có thể tiếp tục diễn ra. Cô cũng hứa sẽ cùng Ban tổ chức giải quyết việc này sau khi chương trình khép lại đồng thời đã trao cho một người phụ nữ trong nhóm trên số tiền 10 triệu đồng. Việc lợi dụng danh tiếng của ca sĩ Phi Nhung để giật tít nội dung bài báo nhằm câu “view” đã làm nhiều người hiểu sai vấn đề vụ việc dẫn đến có những ý kiến không đúng về vụ việc trên. Liên quan đến thông tin trên, được biết sau khi vụ việc xảy ra, phía đại diện của ca sĩ Phi Nhung đã khẳng định hoàn toàn không có chuyện Phi Nhung bị xé áo như thông tin trên một số Báo và mạng xã hội đã đưa.
Ca sĩ Phi Nhung đã trao lại cho một người phụ nữ số tiền 10 triệu đồng trên sân khấu
Thứ tư: Về các ý kiến cho rằng việc để xảy ra vụ việc không may trên có một phần trách nhiệm của lực lượng Công an và các cơ quan chức năng trên địa bàn. Cùng với đó, một số Báo còn khai thác vào thông tin một phía của người phụ nữ trong nhóm trên rằng “sau khi bị cướp mất số vàng trên đã đi báo Công an, thì Công an cho biết đơn vị tổ chức đêm nhạc không hợp đồng giữ an ninh trật tự với Công an, nên họ không có mặt giữ an ninh” nhằm hướng lái dư luận vào chính quyền và lực lượng Công an. Tuy nhiên sự thật lại không phải như vậy. Liên hệ với Công an thị trấn Cờ Đỏ, được biết tuy Ban tổ chức chương trình không liên hệ với Công an huyện và UBND thị trấn Cờ Đỏ để được hỗ trợ nhưng với chức trách và nhiệm vụ của mình, Công an thị trấn Cờ Đỏ đã cử 2 lực lượng gồm nhiều cán bộ chiến sĩ đến chương trình này để nắm tình hình. Sau khi phát hiện sự việc đáng tiếc xảy ra, Công an thị trấn đã kịp thời báo cáo với Công an huyện Cờ Đỏ cử các đơn vị nghiệp vụ xuống hiện trường xác minh và phối hợp đảm bảo an ninh trật tự. Sau đó, Công an thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tiến hành xác minh làm rõ và mời những người liên quan vụ việc trên đến làm việc. Vụ việc hiện đang được điều tra, làm rõ và sẽ có thông tin đến người dân. Sự việc đáng tiếc xảy ra vừa rồi nếu có trách hãy trách chính những người bị mất tài sản không biết tự bảo quản tài sản cá nhân. Chính việc mang trên mình nhiều tài sản có giá trị đến những nơi công cộng đã tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật có cơ hội để thực hiện. Đồng ý trang sức cá nhân thì sử dụng thế nào là quyền của cá nhân, tuy nhiên việc đeo trang sức có giá trị ở những nơi đông người như vậy là quá mất cảnh giác. Do đó, nếu có bị mất thì chính cá nhân phải tự chịu trách nhiệm và việc đùn đẩy hay “bắt đền” tổ chức, cơ quan nào là hoàn toàn vô lý. Đây cũng chính là bài học cảnh tỉnh cho người dân khi tham dự các sự kiện đông người như chương trình trên để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Vụ việc đáng tiếc trên hiện nay vẫn còn nhận được nhiều ý kiến trái chiều và tranh cãi cũng như nhiều ý kiến nhìn nhận. Tuy nhiên trước các thông tin đa chiều trên báo chí và mạng xã hội, chúng ta cần có sự chọn lọc kĩ lưỡng khi tiếp nhận đồng thời trong việc đánh giá một con người, một vụ việc hay cả hình ảnh của một vùng miền cần phải có sự khách quan, tránh bị giắt mũi, đánh đồng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của con người Cần Thơ nói riêng và con người miền Tây trong mắt dư luận xã hội.
Hai Quê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét