4/28/2017

1.001 “cách” bảo vệ môi trường

Theo thống kê đến tháng 01/2017, thì dân số Việt Nam đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới cùng chung sống trên dải đất hình chữ S nhỏ hẹp, chúng ta phải cùng chia sẻ không gian ngày càng chật chội, bầu không khí ngày càng ngột ngạt, nguồn nước ngày càng ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, môi trường ngày càng bị hủy hoại bởi bàn tay con người để phục vụ nhu cầu cho hơn 94 triệu dân.

Và khi vấn đề ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động thì con người ta mới “giật mình” quan tâm đến những thứ ta phải hít vào, nạp vô cơ thể mỗi ngày, từ đó, nảy sinh ra 1.001 “cách” thể hiện sự đóng góp của mỗi cá nhân vào công cuộc chung của toàn nhân loại từ những việc làm nhỏ nhất như: tiết kiệm điện, nước; hạn chế sử dụng túi nilon, tái chế rác thải, không vứt rác bừa bãi; trồng nhiều cây xanh; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; không xả thải, vứt rác xuống ao, hồ, kênh, rạch; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường…cho đến những công trình, dự án bảo vệ môi trường mang tầm vĩ mô phục vụ lợi ích cho cả cộng đồng như: xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nước xả thải; trồng rừng phòng hộ; làm sạch hóa các tuyến kênh trong nội ô đô thị…Tuy nhiên, cũng có những “cách” bảo vệ môi trường khiến cộng đồng dư luận không sao hiểu nổi. Đó là, một ngày đẹp trời có nơi tự dưng “rầm rộ” tổ chức chặt cây to, trồng cây nhỏ như một cách “bù đắp” lại cho bầu không khí vốn đã quá ô nhiễm ở thành thị đông dân cư chăng? Lại có những cô người mẫu thích “cởi toàn tập” đứng, ngồi õng ẹo đủ kiểu giữa thiên nhiên xanh bao la để kêu gọi mọi người giữ gìn môi trường trong lành như thuở ban sơ, dù bị báo chí dư luận ném đá tơi bời nhưng các cô ấy cũng phần nào đạt được mục đích là hâm nóng tên tuổi cá nhân, ấy vậy mà cũng tạo thành phong trào “nude để bảo vệ môi trường” trong giới trẻ cho thiên hạ được phen “xốn mắt, yếu tim”…Gần đây nhất nổi lên cái kiểu tự thành lập các “hội, nhóm kín” trên các trang mạng xã hội của các bạn trẻ, đa số là học sinh sinh viên nhằm kêu gọi, rủ nhau đi nhặt rác, thu hút sự chú ý của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Điển hình là hoạt động của nhóm “Sức sống xanh”, Cần Thơ hay “Cửu Long xanh”, Sóc Trăng. Nhưng qua thực tế hoạt động nhặt rác của nhóm này vào ngày 16/4/2017 vừa qua tại khu vực xung quanh Bệnh viện Nhi đồng TPCT cho thấy nhóm chỉ làm vài hành động tượng trưng nhặt rác bỏ vào túi nilong nhỏ xíu, không đúng ý nghĩa thực sự của tinh thần tình nguyện bảo vệ môi trường, mà chủ yếu các bạn cùng đội nón đỏ tạo sự chú ý và chụp hình để đăng lên mạng khuếch trương thanh thế, công khai kêu gọi ủng hộ tài chính…Những việc làm như vậy có nên được gọi là “bảo vệ môi trường” không? Hay chỉ lợi dụng danh nghĩa “bảo vệ môi trường” thu hút sự chú ý của các tổ chức phản động để ủng hộ hoạt động của hội, nhóm trái phép về mặt tài chính; kêu gọi giới học sinh, trí thức tham gia tuần hành, biểu tình phản đối các nhà máy gây ô nhiễm tại địa phương, như Nhà máy giấy Lee&Man mà nhiều người xem là “Formosa thứ 2”...
Đúng là môi trường là của chung, không của riêng ai; đồng thời cũng có 1.001 cách để chúng ta cùng chung tay bảo vệ ngôi nhà chung của mình. Nhưng làm sao để hành động của chúng ta phải xuất phát từ tinh thần xung kích tình nguyện, không vì mục đích lợi nhuận và đúng với ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi. Qua thực tiễn tổ chức các hoạt động phong trào bảo vệ môi trường của các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ đã được đông đảo các bạn học sinh, sinh viên tích cực hưởng ứng và chứng minh được ý nghĩa cao đẹp của tinh thần xung kích tình nguyện, được cộng đồng đánh giá cao như: Hè tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh…Vậy thì tại sao các bạn nhóm “Sức sống xanh” không tham gia góp phần nhỏ bé của mình để bảo vệ môi trường và làm lớn mạnh hơn các hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên chúng ta?
Còn về phần các nhà máy gây ô nhiễm tại địa phương làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và chính chúng ta thì đã có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường quy định; nếu không chấp hành đúng sẽ có lực lượng thực thi pháp luật kiểm tra, xử lý. Với bộ máy Nhà nước của dân, do dân và vì dân và với cơ chế dân chủ như hiện nay thì không một chính quyền địa phương nào dám làm ngơ trước những bức xúc của người dân, thỏa hiệp với những vi phạm pháp luật về môi trường của các doanh nghiệp trên. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong lần tiếp xúc cử tri tại TPCT ngày 27/4/2017 mới đây đã phát biểu “Người dân phải có ý thức sống và làm việc theo pháp luật, phải phản ánh nguyện vọng của mình thông qua tổ chức (trong trường hợp các bạn nhóm “Sức sống xanh” thì các bạn có thể phản ánh thông qua tổ chức Đoàn tại trường học hoặc địa phương nơi mình sinh sống), không nên vì quá bức xúc mà vô tình chúng ta lại làm không đúng pháp luật”. Vì vậy, các bạn nên xem xét lại có nên chăng việc thành lập “nhóm kín” để lợi dụng việc bảo vệ môi trường mà kêu gọi tuần hành, biểu tình trái pháp luật; công khai kêu gọi ủng hộ tài chính; dẫn đến gây rối làm mất an ninh, trật tự; đồng thời tiếp tay cho kẻ xấu, bọn phản động xuyên tạc “xả rác thì được nhưng nhặt rác phải xin phép” như trang mạng của tổ chức phản động Việt Tân bình luận. Không ai cấm chúng ta tham gia bảo vệ môi trường nếu hành động đó xuất phát từ cái tâm trong sáng và đúng mục đích, ý nghĩa của nó!!!
Nhất Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét