4/28/2017

Không thể bác bỏ giá trị của chiến thắng lịch sử 30-4-1975

Ngày toàn thắng 30-4-1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử nước ta, mang tầm quốc tế và thời đại. Chiến thắng đó đã mở ra kỷ nguyên mới đối với dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên CNXH. Đó là một thực tế lịch sử không ai có thể bác bỏ.

        Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là đại thắng của toàn dân tộc; của đức hy sinh, lòng dũng cảm và trí tuệ Việt Nam kết tinh bởi mưu lược sáng suốt và ý chí anh hùng, bất khuất của nhân dân ta. Với niềm tin “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” và hành động muôn người như một, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”, chúng ta đã làm nên chiến thắng. Sự sống mạnh hơn cái chết. Chính nghĩa đẩy lùi phi nghĩa. Đó là chiến thắng của cái thiện lớn nhất đối với cái ác lớn nhất trong thời đại ngày nay. Dân tộc Việt Nam với chiến công của mình đã đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới chống Chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chiến đấu cho sự tồn tại của mình mà cũng vì sự tồn tại của các dân tộc khác; vì độc lập - tự do - hạnh phúc, cả loài người tiến bộ và bạn bè của chúng ta ở khắp năm châu bốn biển đều thấy rõ, có sức mạnh cổ vũ các dân tộc đấu tranh cho tự do và công lý, thức tỉnh lương tri của nhân loại.
         Sức mạnh Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả của sự phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc được tạo ra bởi đại đoàn kết toàn dân tộc, được nuôi dưỡng bởi ngọn nguồn văn hóa Việt Nam, lịch sử anh hùng, bất khuất trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Sức mạnh ấy được tiếp nối, phát huy cao độ và thăng hoa trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
      Gần 42 năm đã trôi qua, kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, thời gian càng lùi xa, thì Chiến thắng 30-4-1975 của dân tộc Việt Nam càng nổi bật tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó. Các thế hệ người Việt Nam càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị và bài học của chiến công chói lọi này. Hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn thiết tha với hòa bình, khát vọng tự do và hạnh phúc, không bao giờ mong muốn chiến tranh. Nhưng, vì sinh mệnh và sự tồn vong của dân tộc, cũng vì nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng đối với quốc tế mà nhân dân ta, cả hai miền Nam - Bắc, tiền tuyến và hậu phương buộc phải cầm súng quyết chiến đấu và quyết chiến thắng. Để hôm nay mọi người Việt Nam được sống trong hòa bình, tự do mưu cầu hạnh phúc, phát triển, bạn bè quốc tế đến làm ăn, sinh sống, thăm thú trong thanh bình, điều đó chẳng quý lắm sao? Có được hòa bình như ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải trả bằng máu và nước mắt, nên chúng ta rất thấm thía giá trị này. Ai đó, vì bất cứ lý do gì, gây mất ổn định, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam là có tội với đất nước, với anh linh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
      Chiến thắng 30-4-1975 là sự tôn vinh sức mạnh và niềm tự hào của mỗi người Việt Nam, của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhưng đâu đó, vẫn cất lên tiếng nói từ những người mang ý thức hệ xa lạ với nhân dân và dân tộc mình, coi đó là ngày “quốc hận” - một cái nhìn sai lạc và xuyên tạc sự thật lịch sử, đi ngược lại tinh thần khoan dung, đồng thuận, đoàn kết của toàn dân ta; tự reo rắc hận thù, chia rẽ, ngược với trào lưu lịch sử. Song, sự thật những gì diễn ra ở miền Nam suốt hai thập kỷ đã tự nó nói lên tất cả về cái tồn tại trong quá khứ của chính thể Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng lên. Đã không có độc lập, tự chủ thì chỉ là lệ thuộc. Giải phóng miền Nam, xóa bỏ một trật tự lỗi thời, một sản phẩm trái mùa của lịch sử là một thắng lợi của chính nghĩa, đem lại độc lập, tự do thật sự cho nhân dân. Nuối tiếc cái đã lùi vào dĩ vãng để gieo rắc ý thức “quốc hận” là xa lạ với chính đồng bào, dân tộc mình. Tư tưởng, quan điểm đó nếu không phải là sự nuôi dưỡng, kích động sự thù địch, chia rẽ dân tộc một cách có chủ đích thì cũng là một nhận thức mơ hồ về sự thật lịch sử, đều tiếp tay cho kẻ thù, có hại cho tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc, cần phải phê phán. 
         Lại có cách nhìn lệch lạc khác, cho rằng, Chiến thắng 30-4-1975 và sự nghiệp kháng chiến của dân tộc ta ròng rã mấy thập kỷ là cái giá phải trả quá đắt, là một sai lầm, làm cho dân tộc đau thương, chậm phát triển, trách nhiệm ấy họ quy cho Đảng ta, cho con đường mà Hồ Chí Minh lựa chọn. Đây cũng lại là một nhận thức phi lịch sử, muốn phủ nhận chiến thắng của nhân dân ta, đồng thời là phủ nhận cả lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH mà chúng ta đã lựa chọn, kiên trì theo đuổi. Cách nhìn ấy muốn đánh đồng người chiến thắng và kẻ thất bại, xóa nhòa mục đích, tính chất, bản chất của sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. 
        Dù khép lại quá khứ nhưng không được quên quá khứ, càng không thể phủ nhận và phỉ báng lịch sử. Sự tàn bạo, phi nhân, tội ác mà thực dân, đế quốc và những thế lực do chúng nuôi dưỡng, thành công cụ của chúng để đàn áp cách mạng và nhân dân là sự thật lịch sử không thể nào quên, cho dù, trong bối cảnh mới, hoàn cảnh mới, đối thủ thù địch trong quá khứ có thể trở thành đối tác cùng hợp tác, cùng tồn tại. Vì vậy, chúng ta không cho phép bất cứ ai, dù với cương vị gì, “nhà văn”, “nhà nghiên cứu”, “nhà biên khảo”,… được bóp méo, xuyên tạc giá trị của Chiến thắng lịch sử này.
       Ngày nay, đất nước ta đã đi qua chặng đường đổi mới. Chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc cũng đã 42 năm. Các thế hệ sinh thành trong bối cảnh ấy đã tận hưởng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc mà các thế hệ cha anh đã phải hy sinh bằng máu của mình. Thế và lực của Việt Nam đang ở vào thời kỳ sung sức đầy triển vọng. Chiến thắng 30-4-1975 sẽ mãi mãi tiếp thêm năng lượng, tinh thần, phát huy các giá trị sáng tạo, cổ vũ nhân dân và dân tộc ta đi tới, hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa trong công cuộc đổi mới, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét