4/28/2017

Đừng xuyên tạc Chiến thắng 30-4-1975

Chiến thắng 30-4-1975 là một sự kiện trọng đại có tầm ảnh hưởng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc trong thế kỷ XX. Đó là thắng lợi của chính nghĩa trước bạo lực, cường quyền; là biểu tượng sáng ngời về ý chí bất khuất, khát vọng hòa bình, tự do của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Đó là lịch sử, mà lịch sử chỉ hiện hữu sự thật, không thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc.

          Chiến thắng 30-4 đã qua đi 42 năm. Nhưng ý nghĩa, giá trị to lớn của nó vẫn tồn tại mãi với thời gian, nhất là đối với các dân tộc đã và đang nỗ lực đấu tranh vì sự tiến bộ, văn minh, hạnh phúc. Ca ngợi, đánh giá tích cực đối với sự kiện này, luôn là chiều hướng chủ đạo, là điều được thế giới quan tâm, thừa nhận  trong suốt những năm qua. Nhưng nực cười thay, bên cạnh sự đánh giá khách quan, trung thực đó, vẫn còn những tiếng nói lạc lõng cố tình phủ định sự thật lịch sử với động cơ, mục đích đen tối, định kiến, thù địch. Không những tìm cách cào bằng vai trò của các bên tham chiến, họ còn trắng trợn ngụy biện, đổi trắng thay đen giữa kẻ đi xâm lược đã từng gây vô vàn tội ác cho dân tộc Việt Nam với những người đã không tiếc máu xương hy sinh vì hoà bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
          Chiến tranh đã lùi xa, sự phân định giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa chiến thắng và thất bại đã rõ ràng. Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của nhiều quốc gia; trong đó, có các quốc gia từng trực tiếp hoặc tham gia chiến tranh xâm lược ngày đó, nay cùng hợp tác, phát triển. Thế nhưng, ở nơi này hay nơi khác, trong một thiểu số nào đó, mỗi khi đến dịp 30-4, họ đều tìm cách khuấy đảo lên sự thù hận với các lý lẽ, luận điệu hoàn toàn phi lý. 
          Ngược dòng lịch sử sẽ thấy, một sự thật hiển nhiên là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do Mỹ khởi xướng, với sự tiếp tay, phản bội dân tộc của ngụy quyền Sài Gòn đã thất bại thảm hại vào tháng 4-1975 là một tất yếu không tránh khỏi. Nguyên nhân cơ bản, sâu xa nhất dẫn tới thất bại, trước hết, đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô cùng tàn bạo. Từ lâu, Mỹ đã coi miền Nam Việt Nam là địa bàn chiến lược, để ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Nam Á. Họ cần có một chính phủ chống Cộng, biết nghe lời và phục vụ đắc lực cho mưu đồ bá chủ thế giới. Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông dương, trong khi ta cố gắng theo đuổi các giải pháp hòa bình, thì ngay từ đầu, Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, đã rắp tâm tìm mọi cách chia cắt, phá hoại công cuộc hòa bình, thống nhất đất nước. Các yêu cầu đàm phán, tiến tới Tổng tuyển cử, thống nhất hai miền Nam - Bắc của ta đưa ra và đều bị từ chối. Thay vào đó là các chiến dịch lê máy chém khắp miền Nam, đàn áp khốc liệt những người kháng chiến cũ, những đảng viên Cộng sản, những ai mong muốn thống nhất đất nước. 
            Đã từng phải chịu đựng những thử thách, hy sinh bởi chiến tranh, chia rẽ vùng miền và sự thống trị của ngoại bang, nên hơn ai hết, người dân Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Nhân dân Việt Nam đã tranh thủ mọi thời cơ để gìn giữ, bảo vệ những giá trị đó, nhưng Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã chà đạp, phá hoại những nguyện vọng thiêng liêng chính đáng của mình, buộc chúng ta không còn lựa chọn nào khác phải tiếp tục chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc chiến tranh do Mỹ và tay sai tiến hành ở Việt Nam được cho là phi nghĩa, trái đạo lý, bị lên án tính chất tàn bạo, vô nhân tính. Cuộc chiến tranh đã cướp đi nhiều triệu sinh mạng, nhiều người thương vong, tàn tật, chịu di chứng, gây hậu quả nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, môi trường, phải mất nhiều thời gian, công sức mới khôi phục được. 
            Chiến thắng 30-4-1975 cho thấy một chân lý: không phải bao giờ sức mạnh của cường quyền bạo lực và đồng tiền cũng đè bẹp được chính nghĩa. Đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, Việt Nam là đại diện chân chính cho chính nghĩa, cho nên trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ to lớn cả về vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế và lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Tính chất phi nghĩa, tàn bạo của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bộc lộ rõ trong chiến tranh, đã ngày càng bị thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ lên án, phản đối.
           Sau hơn 20 năm chiến tranh và 42 năm sau chiến tranh, sự thật và chân lý đã được lịch sử kiểm nghiệm, ánh sáng soi rọi. Những sự ngụy biện, xuyên tạc thực tế, nhằm phục vụ cho một mưu đồ nào đó, không những chỉ là ảo tưởng, mà còn là tội lỗi với lịch sử, với các thế hệ ông cha đã không tiếc máu xương hy sinh cho sự yên bình và hạnh phúc của đất nước này. Bất cứ dân tộc nào có tự trọng trên thế giới, đều có quyền tự hào về truyền thống lịch sử đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc của mình. Chiến thắng 30-4-1975 đã kết thúc sự chia rẽ Bắc - Nam, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài trên 100 năm của thực dân, đế quốc trên đất nước ta, nước nhà độc lập, non sông thu về một mối, đã trở thành một trang vàng chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc để các thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ và phát huy.
Ngọc Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét