Như thông tin đã nêu trong bài trước, bắt đầu từ một thông tin tưởng như nhỏ nhưng sau đó nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng đã phát hiện ra một tội phạm kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, một điều đáng buồn, khi Trịnh Xuân Thanh đầu thú, những luồng dư luận của những thế lực thù địch đã sử dụng các mạng xã hội để suy diễn, cố tình biến một vụ án kinh tế, một kẻ tham nhũng phá hoại đất nước thành một vụ án chính trị.
Không chỉ dừng ở đó, mà ngay cả lãnh đạo cấp cao của đất nước cũng bị một số chủ tài khoản mạng xã hội thông tin bịa đặt, bôi nhọ, suy diễn sự việc không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận xã hội.
Người dân luôn quan tâm, theo dõi các hoạt động của Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Bởi mỗi quyết định của lãnh đạo có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Nắm được sự quan tâm đặc biệt này, những thế lực thù địch, những chủ tài khoản có tư tưởng chống đối sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước luôn “tự tạo” ra những thông tin bịa đặt nhằm bôi nhọ lãnh đạo cấp cao, suy diễn tình hình chính trị của đất nước.
Một số chủ tài khoản còn lập những trang riêng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa thông tin xuyên tạc. Giọng điệu của các chủ tài khoản này phần lớn là hằn học, nói lấy được, thiếu căn cứ, thiếu xác thực, tự đưa ra thông tin “lệch chuẩn” rồi suy diễn theo giọng điệu chủ quan, gắn lên những thông tin đó vào dạng “tuyệt mật” nhưng đã bị lộ… nhằm lái dư luận theo một hướng khác, có lợi cho những phe phái chống đối, thế lực thù địch.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắc) từng phát biểu: Hoạt động xuyên tạc, bịa đặt và lan truyền những nội dung sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng gia tăng, nhất là vào các thời điểm chính trị nhạy cảm như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội.
Với những người có nghiệp vụ, có quan điểm chính trị vững vàng thì không khó để nhận ra những trang thông tin độc hại, gây bất lợi cho đất nước, dù sự giả mạo này có tinh vi đến đâu. Nhưng với người dân bình thường thì không phải ai cũng phân biệt được rạch ròi đâu là thật đâu là giả. Không những thế tình trạng “té nước theo mưa” của các “chuyên gia bàn phím” nhân lên khiến nhiều người tiếp nhận thông tin sai lệch như đi vào mê cung với thật giả lẫn lộn. Vì vậy những thông tin bôi nhọ lãnh đạo cấp cao gây hoang mang trong dư luận, giảm sút niềm tin, xúc phạm danh dự của lãnh đạo cấp cao.
Không những thế, những thông tin bôi nhọ lãnh đạo cấp cao còn ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mỗi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm chăm lo đời sống của nhân dân ngày một tốt hơn, phù hợp với thực tiễn hiện tại… rất cần đến sự ủng hộ, đồng lòng nhất trí từ lãnh đạo đến người dân. Nếu như những thông tin giả mạo, nhằm bôi nhọ lãnh đạo cấp cao sẽ gây hoang mang, giảm sút niềm tin thì các chủ trương chính sách của lãnh đạo sẽ bị phân tán, khó nhận được sự ủng hộ trong nhân dân. Bên cạnh đó còn làm phức tạp tình hình xã hội, chính trị của đất nước. Trong khi đất nước muốn phát triển thì xã hội cần phải ổn định, không có những xáo trộn.
Theo số lượng thống kê vào năm 2016 của facebook, thì Việt Nam có khoảng 30 triệu người dùng thường xuyên trên facebook và con số này còn tăng trưởng mỗi ngày. Còn theo công ty Appota công bố gần đây, thì mỗi ngày Việt Nam có khoảng 36 triệu người dùng mạng xã hội. Như vậy có thể thấy, nếu một thông tin bất lợi và nhằm đúng vào sự quan tâm của mọi người được đưa lên mạng xã hội thì nguy cơ phát tán cũng như sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức nào.
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết trong thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ đã yêu cầu google ngăn chặn, gỡ bỏ 2.200 video “nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo” phát trên YouTube. Đến ngày 12/4, Google đã hạ 1.299 video độc hại, trong đó có một tài khoản YouTube đăng tải 500 video thông tin xuyên tạc về lãnh đạo. Nhưng dường như những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao vẫn không chấm dứt mà ngày càng có chiều hướng gia tăng và ngày càng núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, tinh vi hơn.
Sự thật thì chỉ có một, còn những thứ không phải sự thật có vô số biến thể. Nhưng quần chúng nhân dân không phải ai cũng có “đề kháng” đủ mạnh để tự làm sạch thông tin trước khi tiếp nhận, hoặc tự loại bỏ thông tin độc hại. Vì vậy, thiết nghĩ, để môi trường mạng xã hội lành mạnh thì cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của các cơ quan chức năng, kể cả các cơ quan bảo vệ pháp luật, bên cạnh việc người dân tự trang bị nền tảng kiến thức cần thiết, còn cần có sự định hướng đúng đắn của dư luận, truyền thông, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm gỡ bỏ những nội dung bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo cấp cao, yêu cầu mạng xã hội tuân thủ luật pháp Việt Nam, đồng thời xem xét đề xuất xử lý hình sự tội bôi nhọ lãnh đạo cấp cao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét