6/01/2017

Cô giáo hết lòng vì trẻ em nghèo

QĐND - Nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở khu vực 4, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, gần 35 năm nay, lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo, trẻ em lang thang của cô Mỹ Uyên (53 tuổi) vẫn đều đặn đón các em đến học. Tâm nguyện và cũng là động lực của người giáo già là mong muốn trẻ em nghèo có cái chữ để tương lai sáng hơn.

Lớp học nhỏ của “má Uyên”
Đến trước cổng chùa Bửu Liên (phường An Cư, quận Ninh Kiều), hỏi thăm lớp học miễn phí của cô giáo Uyên thì ai cũng biết. Men theo con hẻm nhỏ gần 100m, chúng tôi đã nghe tiếng ê a đọc bài của trẻ thơ trong ngôi nhà nhỏ. Thấy có khách đến, cả lớp đứng dậy đồng thanh “chúng em chào thầy ạ!”, rồi các em ngồi xuống tiếp tục học tập. Lớp học của cô Uyên không quá đông, hiện có khoảng 20 em nhỏ đang theo học. Các em khác nhau về độ tuổi và mỗi em cũng có một hoàn cảnh khác nhau. Em thì gia đình nghèo; em bán vé số dạo hay bán hàng rong; em không còn cha; em thì mất mẹ... Một số em may mắn được đi học nhưng do gia cảnh quá khó khăn, phải lao động phụ giúp gia đình nên học lực yếu mong đến cô Uyên phụ đạo. Vì thế, học trò của cô Uyên có em vẫn mang đồng phục học sinh, hay mang theo chiếc túi nhỏ chứa vài xấp vé số… Có gương mặt sạm nắng sau một ngày bán hàng rong.
Mỗi buổi học, học trò của cô Uyên được chia thành hai nhóm. Nhóm một (từ lớp 1 đến lớp 3) thì học trên gác, nhóm hai (từ lớp 4 đến lớp 8) thì học ở tầng trệt. Tuy là nhiều lớp nhưng mỗi lớp chỉ khoảng 2 đến 3 em. Và cứ 17 giờ chiều từ thứ hai đến thứ năm, căn nhà nhỏ của cô Uyên lại rộn rã tiếng trẻ thơ.  Cô Uyên tâm sự: “Tôi chỉ mong các em biết đọc, biết viết thành thạo, tính toán chính xác cũng như có được kiến thức cơ bản để làm hành trang vào đời. Quả thực, dù có cố gắng đến mấy cũng không thể giống như đào tạo chính quy ở trường lớp. Lúc đầu vào học, có em còn chưa chú tâm, lơ là nhưng tôi mừng vì cuối cùng các em luôn nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa của học chữ mà theo học đến cùng. Nhiều thế hệ học trò qua đi là những đàn con thân yêu luôn để lại cho tôi tình cảm quý báu, giúp tôi vững tâm duy trì lớp học”.
Cô Mỹ Uyên tận tình chỉ dạy cho học trò tại lớp học. 

Đưa ánh mắt trìu mến về phía em Phan Nhựt Minh (sinh năm 2003), cô Uyên tiếp lời: “Mẹ của em Minh cũng từng là học trò của tôi.  Hôm nay, em Minh cũng gắn bó với lớp học này. Tôi không có con nên dành tình yêu thương cho học trò của mình như những đứa con ruột thịt. Nghe các em gọi bằng má, tôi thấy ấm lòng lắm. Thời gian gần đây, sinh viên các trường đại học đến phụ giúp giảng dạy, ôn luyện cho các em nên công việc của tôi cũng nhẹ hơn phần nào”.
Đang trò chuyện, bỗng lớp học có sự tranh luận giữa các học trò về phép toán. Bạn Châu Tân Toàn chia sẻ: “Nhiều lúc chúng em cũng lơ đãng nên đưa ra các phép toán bị “nhầm” lớp. Vì thế, các em không giải được. Mỗi sinh viên chúng em kèm cặp cùng lúc 2 đến 3 lớp nên thường hay... quên. Em tốt nghiệp đại học cuối năm 2016 và đang làm việc ở quận Bình Thủy. Cảm mến tấm lòng thiện nguyện của cô Uyên nên tranh thủ thời gian rảnh, em đến đây cùng các bạn sinh viên phụ giúp cô giảng dạy cho các em có hoàn cảnh khó khăn”.
Tuy là lớp học tình thương nhưng phương pháp giảng dạy của cô Uyên rất nghiêm túc, không xuề xòa, chiếu lệ. Với mỗi học trò phải học hết chương trình cơ bản của lớp, mới được lên lớp trên chứ không theo năm học như đào tạo chính quy. Một số học trò sau khi học xong lớp 8 thì tìm việc làm hoặc tiếp tục đi học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều đặc biệt, không chỉ dạy chữ, cô Uyên còn rất chú trọng dạy đạo đức, rèn luyện nhân cách sống cho học trò của mình. Hằng tháng, lớp học đều có buổi tự đánh giá, nhận xét bản thân. Mỗi em được phát một phiếu cảm nghĩ màu đỏ, hình trái tim để ghi những tâm tư, tình cảm, thậm chí là lời nhận lỗi. Những dòng chữ ngây thơ, chan chứa cảm xúc được gắn lên tấm bảng “Điều em muốn nói” như: “Tháng vừa rồi con chưa ngoan. Tháng này con hứa sẽ ngoan và học giỏi hơn”, hoặc “Con sẽ luôn học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ và má Uyên”...
Bén duyên với nghề giáo
Cô Uyên tên thật là Liêu Thị Mỹ Hiếu. Cô kể, trước đây gia đình cô nghèo lại đông con. Năm học lớp 6, cụ thân sinh của cô bị bệnh rồi qua đời. Một mình mẹ tảo tần mua bán nuôi chị em cô ăn học. Học xong lớp 8, cô cũng dang dở con đường học vấn. Cô Uyên bắt đầu tình nguyện dạy học ở lớp học tình thương tại phường An Cư từ năm 18 tuổi, khi còn là đoàn viên xung kích hoạt động trong các phong trào tình nguyện. Biết bản thân không được đào tạo kỹ năng giảng dạy chính quy nên cô dành nhiều thời gian xin dự khán các buổi học ban ngày để tự bổ túc kiến thức, phương pháp sư phạm. Cô cũng tích cực theo học các lớp bổ túc, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ. Không chỉ gắn bó với các lớp học tình thương mà có thời gian, cô Uyên còn tham gia giảng dạy cho các dự án hỗ trợ trẻ em đường phố. Khi các dự án kết thúc nhưng với lòng tâm huyết với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, năm 2008, cô Uyên quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nụ cười để dạy chữ cho các em nghèo, cơ nhỡ và thông qua CLB có thể kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Thời gian đầu mới thành lập, cô nhận dạy cho 8 trẻ ở phường An Cư và 14 trẻ ở phường An Thới (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Khi ấy, chỉ một mình cô đứng lớp nên phải phân chia thời gian hợp lý để dạy các em. Chính sự chân thành, tấm lòng của cô mà đã lay động được tấm lòng sẻ chia của không ít tập thể, cá nhân chia sẻ, động viên và giúp đỡ vật chất để cô duy trì lớp học. Bây giờ, cứ mỗi buổi học, học trò của cô Uyên có thêm gói mì ăn liền lót dạ. Ngoài ra, hằng tháng, mỗi học trò của cô còn được hỗ trợ 5kg gạo. Cô Uyên tâm sự: “Nghề giáo như một cái duyên đến với tôi. Cũng từ khó khăn của bản thân nên tôi hết lòng yêu thương những trẻ em có hoàn cảnh tương tự. Để duy trì hoạt động của CLB, đồng thời có thêm điều kiện giúp những trẻ em đến lớp học tình thương, tôi nhận thêm hàng về thêu, nhận may quần áo, dạy múa cho các lớp mầm non để có kinh phí mua tập sách, dụng cụ học tập cho các em”.
Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi có hai sinh viên mang thùng mì ăn liền đến ủng hộ lớp học. Một trong hai người cũng đang giúp cô Uyên phụ đạo học trò là bạn Võ Thị Yến Oanh, sinh viên ngành Y học dự phòng, Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Oanh nói với tôi: “Em tham gia dạy học ở lớp cô Uyên gần 3 năm nay và thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa. Em rất khâm phục tấm lòng của cô Uyên. Cô dạy học miễn phí, chăm lo cho trẻ em nghèo, trong khi bản thân còn vô vàn khó khăn. Cô đã thắp lên cho tuổi trẻ chúng em tinh thần thiện nguyện, tình thương yêu và sự sẻ chia”.
Gieo niềm tin vào cuộc sống
Hiện nay, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng cô Uyên vẫn tận tâm lo cho các thành viên trong CLB Nụ cười như chính những đứa con của mình. Cô Uyên tự tìm tòi, học cách làm móc khóa hình trái cây, thú vật… rồi cùng học trò làm để bán gây quỹ cho lớp và CLB. Cứ trước giờ vào lớp hay tan học, cô và trò dành chút thời gian cùng nhau làm móc khóa. Những chùm móc khóa tuy nhỏ nhắn nhưng sâu xa nhất vẫn là để các em tự lao động và không mặc cảm với sự giúp đỡ của cộng đồng. 
Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô Uyên khi có những học trò trưởng thành, có cuộc sống ổn định, trở lại thăm cô, tiếp thêm động lực cho lớp học, cũng như không quên hỗ trợ lớp học trong khả năng của mình. Hiện nay, với khả năng vận động của bản thân, mỗi tháng cô trao tặng khoảng 10 phần quà gồm gạo, nhu yếu phẩm cho các hộ dân khó khăn trên địa bàn. Cô Uyên cho biết: “Lớp học phải làm thêm việc thiện nguyện để học trò hiểu hơn cách sẻ chia khó khăn trong cuộc sống, biết giúp đỡ mọi người xung quanh”.
Chia sẻ về tương lai của lớp học, cô Uyên tâm sự: “Gần 35 năm dạy học, tôi không mong muốn còn trẻ em lang thang để vào lớp học tình thương. Nhưng khi trong xã hội vẫn còn có những trẻ em chịu cảnh thiệt thòi thì tôi vẫn tiếp tục dạy học. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe tốt để tiếp tục dìu dắt các em. Sắp tới, nếu có điều kiện tôi sẽ phối hợp với các bạn sinh viên tổ chức dạy các em về ngoại ngữ và vi tính”.
Chia tay cô giáo Uyên khi phố thị đã lên đèn, chúng tôi thầm mong cho ước nguyện của cô sẽ thực hiện được trong tương lai không xa nữa.
Bài và ảnh: HÙNG KHOA
http://news.skydoor.net/link/2434492
(taydo24h)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét