6/08/2017

Giám đốc Công an Nghệ An: "Cảnh vệ càng nhiều, xã hội càng bất ổn"

(Dân Việt) "Nếu mở rộng đối tượng được cảnh vệ thì không thể làm được, lực lượng chức năng có sức đâu mà bảo vệ nhiều thế, rồi còn tốn kém lắm!", Đại biểu Quốc hội - đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) nói như vậy khi trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng 8.6.

  giam doc cong an nghe an: "canh ve cang nhieu, xa hoi cang bat on" hinh anh 1

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. (Ảnh: Đàm Duy)
Hôm trước khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết,  có nhiều tỉnh cũng đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh được cảnh vệ, là người công tác trong lĩnh vực an ninh, ông thấy sao?
- Tôi nghĩ, đề nghị cả Bí thư, Chủ tịch tỉnh được cảnh vệ là không đúng, bởi cảnh vệ là biện pháp rất đặc biệt để bảo vệ các yếu nhân. Trong dự thảo Luật Cảnh vệ có quy định 18 đối tượng chứ không thể mở rộng nhiều được. Tôi nghĩ, đến giai đoạn nào đó, không cần ai bảo vệ mới là văn minh, còn lãnh đạo đi đâu lúc nào cũng thấy người bảo vệ mình thì có nghĩa không an toàn.
Từ câu chuyện Chủ tịch UBND TP.Hà Nội xuống xã Đồng Tâm vừa qua thì có đặt ra câu chuyện được cảnh vệ?
- Tôi nghĩ đó không phải là cảnh vệ, mà là bảo vệ. Cảnh vệ là bảo vệ yếu nhân, có 18 đối tượng thôi, còn bảo vệ là bảo vệ tất cả những tình huống đột xuất có thể xảy ra. Không chỉ là Chủ tịch, Bí thư, mà một nhà báo đi xuống khu vực nguy hiểm tác nghiệp thì cần phải được bảo vệ.
Vụ án Bí thư và Chủ tịch Hội đồng nhân dân ở Yên Bái bị bắn (năm 2016), nhiều người cho rằng đó xuất phát từ nội bộ, chứ không phải là chuyện mất an ninh nên Bí thư, Chủ tịch tỉnh không cần thiết phải được cảnh vệ, ông nghĩ sao?
- Tôi cho rằng, cảnh vệ càng nhiều thì xã hội càng bất ổn, cho nên đối tượng được cảnh vệ như dự thảo Luật Cảnh vệ quy định là phù hợp với thực tại. Còn như mở rộng đối tượng được cảnh vệ thì không thể làm được, lực lượng chức năng có sức đâu mà bảo vệ nhiều thế, rồi còn tốn kém lắm. Tôi nghĩ còn phải giảm thêm đối tượng được cảnh vệ.
Tất cả sự việc vừa qua chỉ là hy hữu, chúng ta lấy một sự việc mà đưa ra thành vấn đề tổng thể của quốc gia thì không nên. Quốc hội bàn về những vấn đề rất lớn có tính chất chung nhất.
Theo ông, sau này cần giảm số đối tượng được cảnh vệ không?
- Theo tôi, có lẽ đến một giai đoạn nào đó nên giảm bởi vì xã hội mình càng ngày càng an toàn thì nên giảm.
Thứ hai, đến giai đoạn người ta thấy cảnh vệ chưa chắc hợp lý. Tôi đã rất nhiều lần đi bảo vệ các đối tượng A1 (nguyên thủ), có những bác, những đồng chí không muốn xuất hiện ồn ào, trống giong, cờ mở, họ chỉ cần làm việc hiệu quả, chất lượng. Còn nói về an ninh thì dân mình rất tốt, không ai làm gì đâu.
Xin cảm ơn ông.
Các đối tượng được cảnh vệ theo dự thảo luật:
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ;
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ;
Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam gồm: Người đứng đầu nhà nước, cơ quan lập pháp, chính phủ; cấp phó của người đứng đầu nhà nước, cơ quan lập pháp, chính phủ trên cơ sở có đi có lại;
Khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên cơ sở có đi có lại.

http://danviet.vn/tin-tuc/giam-doc-cong-an-nghe-an-canh-ve-cang-nhieu-xa-hoi-cang-bat-on-777294.html
(taydo24h)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét