6/20/2017

GỬI NGƯỜI KÝ CÔNG VĂN 3388 VÀ NHÀ BÁO 6 NGHỆ

Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”, công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta đã có những tiến bộ to lớn.

Tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, trước hết là các cơ quan hành chính nhà nước đã được đổi mới và hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước được phân định rõ hơn và trong tổ chức thực hiện đã có những bước tiến tích cực.
Cùng với tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên trong việc xây dựng, bảo vệ chính quyền, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân cũng được nâng cao. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13 được ban hành ngày 09/6/2015, có hiệu lực ngày 01/01/2016 thay thế Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 44/1999/QH10 đã không còn phù hợp tình hình hiện nay.
Tại Điều 3 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13 quy định rất rõ về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ảnh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước”.
Tại Điều 44 Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 ngày 11/11/2011 quy định về giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân đến tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ảnh; khi nhận được tố cáo thì nghiên cứu, chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết tố cáo”.
Luật đã quy định rõ như vậy nhưng không hiểu sao ngày 07/4/2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại ban hành Công văn số 3388 gửi Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ liên quan đến vụ án tại Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam mà Công an thành phố Cần Thơ đang điều tra. Nội dung trong Công văn khẳng định: “Bản chất đây là quan hệ dân sự giữa Công ty Tây Nam và Ngân hàng Agribank chi nhánh Cần Thơ” trong khi vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra và mới đây Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa có quyết định gia hạn điều tra vụ án do có nhiều tình tiết phức tạp cần làm rõ, gia hạn tạm giam 4 tháng đối với nghi phạm Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân – nguyên Giám đốc Công ty Tây Nam và Phạm Tường Thi – nguyên Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến. Chẳng lẽ với đơn kêu oan của ông Nguyễn Văn Kịch (cha của Đạt Nhân) và một số tài liệu do ông Kịch cung cấp thì Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có thể khẳng định được bản chất của vụ việc “là quan hệ dân sự”. Vậy là vụ việc này quá đơn giản nhưng các Cơ quan tố tụng của thành phố Cần Thơ và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao không thể nhìn ra?. Thật buồn cười khi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn chỉ rõ cho Cơ quan An ninh điều tra Công an Cần Thơ phải làm như thế nào, chứng minh những gì trong vụ án: “Việc bắt tạm giam bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân về hành vi “làm khống hồ sơ để lừa đảo chiếm đoạt tiền ưu đãi lãi xuất của Nhà nước” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự thì trước hết Cơ quan An ninh điều tra phải chứng minh ông Nhân có hành vi gian dối, cụ thể ở đây là hành vi làm khống hồ sơ để được vay vốn, hỗ trợ lãi suất”. Dựa theo nội dung Công văn ngày 25/3/2016 của Agribank Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn kết luận: “Không thể xác định được là có thiệt hại trong trường hợp này”. Đến đây tôi cũng có thể mạnh dạn khẳng định: “kiến thức về luật và nghiệp vụ điều tra của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở ngoài tầm kiểm soát khi tự cho mình hơn hẳn Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Công an Cần Thơ”. Chắc người soạn thảo và cái ông ký Công văn 3388 quên mất trong vụ việc này mình chỉ có mỗi chức năng: khi nhận được tố cáo thì nghiên cứu, chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết tố cáo”.
Là một cơ quan Trung ương của tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhưng người soạn và ký Công văn 3388 lại không hề biết gì về luật, không nắm được chức năng nhiệm vụ của mình và còn tự cho mình quyền được đứng trên Cơ quan điều tra, Cơ quan tư pháp trong khi Đảng và Nhà nước ta đang cố gắng xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thật đáng lo khi một cơ quan như Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại có những con người với trình độ hiểu biết và nhận thức như vậy… mà biết đâu cũng có thể họ đã tự “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” giả thiếu hiểu biết để “chịu đấm ăn xôi”?
Văn bản ban hành có nội dung trái với quy định của pháp luật thường sẽ bị lợi dụng để bẻ cong pháp luật. Ngày 05/6/2017 một nhà báo có bút danh Sáu Nghệ đã nhanh tay viết bài đăng trên báo Tiền Phong, nội dung bài viết vẫn với giọng điệu quen thuộc, viện dẫn, phân tích này nọ nhưng cuối cùng hướng cho người đọc là án oan sai. Kiểu viết báo này rất giống với một số “con sâu làm rầu nồi canh”…viết bất kể miễn có tiền. Thật là vô đạo đức khi cơ quan Công an đang phải vất vả ngày đêm điều tra vụ án để truy tố tội phạm giữ gìn sự bình yên cho đất nước. Rất mong Công văn 3388 này sẽ nhanh chóng được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thu hồi để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội, đồng thời xử lý nghiêm khắc những người có liên quan. 
Hướng Dương
(taydo24h)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét