10/04/2017

Thấy gì từ hình ảnh đồng nghiệp, bệnh nhân quyến luyến khi bác sĩ về hưu?

Sáng ngày, 3-10, khi hình ảnh hàng trăm đồng nghiệp và bệnh nhân quyến luyến chia tay Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương nghỉ hưu được lan tỏa trên báo chí, hàng triệu trái tim bạn đọc đã xúc động.
Hàng trăm các thầy thuốc và bệnh nhân đã chờ kết thúc buổi chào cờ sáng thứ 2, 2-10 để chia tay một người đặc biệt: cựu Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư Nguyễn Anh Trí, ông Trí chính thức nghỉ hưu từ ngày 1-10
Nhìn vào hình ảnh từ các bác sĩ cộng sự, đến nhân viên hành chính của Viện Huyết học, và các bệnh nhân, cùng gia đình bệnh nhân đang điều trị tại đây bịnh rịnh, không giấu được ánh mắt buồn khi ôm lấy Giáo sư Nguyễn Anh Trí; Nhìn những giọt nước mắt khẽ rơi trong buổi chia tay, những người yêu thương ông xếp thành hàng dài trong khuôn viên Viện Huyết học chỉ để muốn gặp ông, bắt lấy tay ông một cái như nói lên lời tri ơn, cảm ơn đến vị bác sĩ lành nghề…, người xem cũng đủ để cảm nhận được Giáo sư Nguyễn Anh Trí là người đã sống và tận tụy cống hiến cho nghề như thế nào – ngay khi chưa từng được gặp mặt.
taydo24h.com
Sở dĩ, những hình ảnh đẹp như thế này khi lan tỏa đã chạm được vào trái tim của nhiều người, vì đó thật sự là những bức ảnh giá trị. Nó không phải được “mua” bằng tiền, mà đó là kết quả đi từ tình thương và sự tử tế của một người viện trưởng luôn làm hết mình, phụng sự hết lòng cho bệnh nhân và truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, cộng sự trong suốt thời gian ông công tác. Nói như nhà báo Nguyễn Trường Uy thì: “Những hình ảnh xúc động này thật hiếm có thời nay, không chỉ với người thầy thuốc mà cả xã hội bây giờ, có nhiều người luôn muốn lãnh đạo của mình nghỉ hưu hay khuất mắt cho rồi”.
Các đồng nghiệp đã chia tay Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí, theo cách như thế này. Đây là cuộc chia tay cảm động hiếm có
10 năm làm Viện trưởng, Giáo sư Nguyễn Anh Trí và các cộng sự đã làm thay đổi Viện Huyết học truyền máu Trung ương với nhiều cải cách hiếm bệnh viện làm được: Nâng số giường bệnh lên gấp 3 lần; Đưa rất nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu; Thay đổi cách vận động hiến máu với hàng loạt chương trình như lễ hội xuân hồng, hành trình đỏ... Từ những cải cách của Giáo sư Nguyễn Anh Trí đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành huyết học truyền máu, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, nâng tỷ lệ máu hiến tặng từ người tình nguyện lên chiếm đa số trong tổng số máu sử dụng để điều trị bệnh.
Về hưu, một chặng dừng trong quy luật. Nhiều vị “đầy tớ” nghỉ hưu trong quên lãng, nhạt nhòa hệt như quãng đời đương nhiệm nhưng với Giáo sư Nguyễn Anh Trí thì không như vậy. Với quan điểm, sống, cống hiến hết mình cho cuộc đời đến hơi thở cuối cùng, rời viện huyết học, về hưu Giáo sư Nguyễn Anh Trí vẫn không nghỉ ngơi một cách đúng nghĩa, mà chỉ là có nhiều thời gian để chuyên tâm hơn làm nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội. Ông vẫn sẽ làm việc, tiếp tục cống hiến cho nhân dân, đất nước dù ở phương diện nào đi chăng nữa.
Bệnh nhân và các thầy thuốc đã chia tay ông Trí theo cách như thế này. Đây là cuộc chia tay cảm động hiếm có.
Khi hình ảnh đẹp về Giáo sư Nguyễn Anh Trí lan tỏa, nhiều người lại nhớ đến hình ảnh Thượng tá Lê Đức Đoàn, chiến sĩ Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội – người CSGT luôn tận tụy phục vụ dân, được nhiều người dân Thủ đô yêu mến cho đến ngày làm việc cuối cùng.
Đôi mắt hiền từ, cử chỉ ân cần khi điều tiết giao thông và luôn vẫy tay chào khiến nhiều người đi đường bớt mệt mỏi, đó là cảm nhận mà người tham gia giao thông ở thủ đô khi nói về Thượng tá Lê Đức Đoàn. Nên khi hay tin ông chuẩn bị về hưu, người dân đã không khỏi lưu luyến, tiếc nuối. Trong ca ông làm việc cuối cùng, nhiều tài xế đi qua chốt giao thông cầu Chương Dương đã cố gắng đi chậm lại, chỉ để được bắt tay người CSGT luôn tận tụy “hiếu với dân” một cách đúng nghĩa. Hình ảnh này khi được lan tỏa, đã nhận được sự xúc động, yêu mến của rất nhiều người.
Người đi đường bắt tay, chào tạm biệt Thượng tá Lê Đức Đoàn. Ông là hình ảnh người CSGT tận tụy vì dân, bao năm qua luôn được nhiều người dân Thủ đô yêu mến.
Điều đáng phấn khởi nhất là, mặc dù đã về hưu, nhưng những điều tốt đẹp mà Thượng tá Lê Đức Đoàn đã thực hiện luôn là bài học sống động cho đồng nghiệp. Ông đã “dạy” cho các đồng nghiệp trẻ của mình bài học về sự liêm sỉ trong nghề nghiệp, về sự tử tế trong cuộc sống quá nhiều phiền nhiễu này. Như lời thiếu úy Phạm Gia Hợp thay thế ông thực hiện ca trực khi ông về hưu cho biết: “Tôi về đây công tác rồi làm cùng thầy được gần nửa năm. Với tôi, thầy luôn là người cha, người chú tâm huyết với nghề, là người luôn sẵn sàng xung phong trong những nhiệm vụ khó khăn. Giờ thầy nghỉ hưu rồi, tôi cảm thấy có chút hụt hẫng và có cái gì đó thiêng liêng khó nói nên lời”.
Hình ảnh Giáo sư Nguyễn Anh Trí và Thượng tá Lê Đức Đoàn được nhiều người dân, đồng nghiệp yêu thương, đã cho thấy rằng: nguồn sức mạnh cảm xúc xã hội luôn đến từ những điều chân thực, xuất phát từ sự tử tế và trái tim với bản năng đầy tình yêu thương của mỗi cá nhân đang gánh trên vai trọng trách là “đầy tớ” của dân. Với những người sống tử tế và làm nghề với tất cả yêu thương như Giáo sư Nguyễn Anh Trí và Thượng tá Lê Đức Đoàn, người dân còn gì mà chê được nữa. Và đó cũng chính là tấm gương cho tất cả những người “đầy tớ” đang phục vụ cho dân soi vào mà cống hiến hết mình cho nhân dân, cho đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét