6/25/2018

“Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét: “Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội” khi phát biểu tại hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển". Nhận xét của người đứng đầu Chính phủ, điều hành nền kinh tế cả nước, hẳn dựa trên những căn cứ, số liệu xác đáng. Và, một trong những minh chứng rõ nhất, gần nhất là ngay tại hội nghị, Thủ đô đã thu hút được thêm 17 tỷ USD vốn đầu tư và cam kết đầu tư. 

Sau thành công tại hội nghị thu hút đầu tư năm 2017, rõ ràng, những nỗ lực của thành phố đã và đang tiếp tục củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, người dân. Có tin tưởng, có kỳ vọng, mới có quyết định đầu tư. Đánh giá của Thủ tướng Chính phủ là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với thành phố, song cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề.

Những người theo dõi sát thông tin, tình hình của Hà Nội dễ nhận thấy, để có được sự khen ngợi, đánh giá nói trên của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị của thành phố đã nỗ lực vào cuộc, không phải từ nhiệm kỳ XVI mà từ những nhiệm kỳ trước đó của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Ba năm liên tiếp (2014, 2015, 2016), thành phố đã chọn chủ đề năm là “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Nói thì dễ, nhưng thực hiện không đơn giản và thành phố đã dành tới 3 năm để siết lại trật tự văn minh đô thị. 

Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2017 Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính” nhằm tạo đột phá trong củng cố kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ, nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ và thực hiện nếp sống văn hóa tại công sở, các địa điểm công cộng, nơi cư trú của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh chấn chỉnh, lập lại kỷ cương đô thị. 

Từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, mà trước tiên là thuyết phục, vận động, giáo dục tổ chức, cá nhân tự giác chấp hành, sau đó mới là xử lý vi phạm. Nhiều hộ dân đã chủ động ký cam kết chấp hành quy định, tự tháo dỡ công trình vi phạm. Dù không tiến hành một “chiến dịch trống giong, cờ mở” nhưng hiệu quả thu được rất rõ ràng. Bên cạnh đó, qua phong trào xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có một diện mạo đô thị tươi đẹp hơn từ thành thị đến nông thôn.

Cùng với việc chấn chỉnh trật tự văn minh đô thị, ngay trong đầu năm 2017, thành phố cũng đã ban hành 2 Quy tắc ứng xử: Một dành cho công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan của thành phố; một dành cho nơi công cộng để xây dựng nếp ứng xử văn minh, thanh lịch. Gần như lập tức, 2 Quy tắc ứng xử này đã nhận được sự ủng hộ tích cực của công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, tạo nên hiệu ứng tốt để cùng chung tay xây dựng thành phố văn minh. 

Quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức được ban hành và thực hiện trước đã khẳng định vai trò tiền phong, gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, tạo sự lan tỏa, từng bước nâng cao kỷ cương toàn xã hội. Đó là những dấu hiệu khẳng định về một chính quyền năng động, quyết đoán.

Tiếp nối những kết quả đạt được, năm 2018 được thành phố chọn chủ đề là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Điều đó đồng nghĩa với việc đòi hỏi ở mức cao hơn đối với công chức, viên chức, chính quyền thành phố. Yêu cầu này hoàn toàn có tính khả thi khi ngay trong năm 2017, thành phố đã nghiêm túc trong việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Với cách làm bài bản, hợp lý, trong năm 2017, thành phố đã giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ, giảm 30 cấp trưởng phòng, 69 cấp phó tại các ban quản lý. 

Đáng ghi nhận hơn là sau khi sắp xếp, các đơn vị đều hoạt động hiệu quả, chất lượng, khối lượng công việc được giải quyết nhanh hơn; phát huy được trình độ, ý thức trách nhiệm của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nếu không có sự quyết đoán, chắc hẳn khó có thể có được kết quả trên. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, khi làm việc với Hà Nội, cũng đã đánh giá rất cao việc thực hiện Nghị quyết 39 của thành phố. 

Cùng với việc tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố đã luôn yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến tích cực về hiệu quả, chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Với sự nỗ lực của cả thành phố, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội năm 2017 tăng 11 bậc so với năm 2015, lên vị trí 13/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 tăng 7 bậc so với năm 2015, lên vị trí 2/63 tỉnh, thành phố... Đó là những con số “biết nói” khẳng định những thành tựu thành phố đạt được thời gian qua.

“Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội”. Đó là sự động viên, khích lệ rất lớn, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề hơn, đòi hỏi sự quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa của không chỉ chính quyền mà còn của mỗi người dân Thủ đô. 

Như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trước yêu cầu của thời kỳ phát triển mới; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; đón bắt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, Hà Nội đang đứng trước những thách thức rất lớn cần phải giải quyết, như: Áp lực gia tăng dân số và năng suất lao động; quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu; vấn đề bảo vệ môi trường và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… 

Đó cũng là lý do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội cần tiếp tục đi đầu trong đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, đặc biệt là tập trung vào những hạn chế, yếu kém, nhất là ở cấp cơ sở.

Để khẳng định, phát huy tối đa sự năng động, quyết đoán vì sự phát triển của thành phố, Hà Nội rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành trung ương và mỗi người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Nhưng, điều kiện tiên quyết để khẳng định một chính quyền năng động, quyết đoán là sự vào cuộc tích cực hơn của mỗi cán bộ, công chức và cả hệ thống chính trị.
Mai Lâm (Hà Nội mới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét