6/28/2018

Nỗi lòng của một người yêu nước

Trong những ngày qua, cả nước sôi sục tinh thần “yêu nước” liên quan đến Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (sau đây tạm gọi ngắn gọn là Luật đặc khu). Bản thân là một người yêu nước và rất tâm huyết với các quyết sách của Chính phủ, Quốc hội đối với các lĩnh như chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội; tôi rất cảm động trước sự nhiệt huyết khi nhiều tầng lớp tham gia đóng góp ý kiến cho Chính phủ, Quốc hội. Hơn bao giờ hết, tinh thần phản biện xã hội lại được nêu cao như thế này. Người dân ngày càng quan tâm đến sự phát triển của quốc gia. Đây là mong ước của bất kỳ quốc gia nào cũng muốn công dân của họ góp phần kiến thiết. Lòng yêu nước luôn thể hiện rõ nhất ở sự quan tâm của công dân đối với vận mệnh của đất nước mình!


Tuy nhiên, tôi lại rất đau lòng khi nhiều người biết đến các thông tin về dự thảo luật đặc khu thông qua mạng xã hội (nhất là Facebook) mà chưa mảy may một lần tìm đọc và nghiên cứu thật kỹ lưỡng các mặt lợi, hại liên quan đến Dự thảo luật đặc khu có những nội dung gì, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến như thế nào về nó. Số người đóng góp ý kiến để phát triển đất nước thì ít nhưng những thông tin lan truyền trên mạng xã hội mang tính chất xuyên tạc thì lại dồi dào, phong phú và đa dạng vô số kể. Tôi thiết nghĩ tại sao lại có những luận điệu xuyên tạc “Việt Nam cho Trung Quốc thuê đất 99 năm”. Điều này thật lạ thường là khi dự thảo luật đặc khu không có đến “nửa chữ Trung Quốc”, cũng như việc xuất hiện nguyên cụm từ như vậy trong dự thảo là bất khả thi. Vậy mà tôi không hiểu sao nhiều người lại “hô hào” đặc khu được xây dựng để phục vụ Trung Quốc! Việt Nam xây dựng đặc khu để phục vụ lợi ích quốc gia, kích cầu kinh tế phát triển, phục vụ đời sống cho nhân dân; ngoài ra không còn mục đích tư lợi nào khác, tất cả đều là vì nước vì dân!
Hãy thức tỉnh lòng yêu nước chân chính của con người Việt Nam kiên cường, của dòng giống con Rồng cháu Tiên, của các đời vua Hùng đã có công lập nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam không phải đã từng dặn dò: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”. Đất nước Việt Nam hơn ngàn năm văn hiến, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không phải từ xa xưa đã được các lãnh đạo quốc gia giữ vững, không nhường một tất đất, một nhánh sông nào cho ngoại xâm hay sao. Chí khí anh hùng bất khuất, tinh thần tổ quốc bất diệt lẽ nào lại chịu chùn bước không bảo vệ lãnh thổ của nước nhà được hay sao. Quân đội nhân dân Việt Nam đều ngày đêm tập luyện, chiến đấu để giữ từng tất đất quê hương! Một ý kiến trái chiều cho rằng các vùng đặc khu được xây dựng sẽ là “miếng mồi ngon” để các nước “xâu xé” và “thôn tính”? Điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc bất di bất dịch của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi hiểu tinh thần yêu nước của người dân đất Việt chân thành, nổi lo sợ ngoại xâm không phải bổng nhiên xuất hiện. Chúng ta đã có hơn “bốn ngàn năm chống giặc ngoại xâm”! Chúng ta cũng hiểu rõ Trung Quốc là quốc gia như thế nào đối với nước ta.
Ý tưởng về đặc khu đã có từ thời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở những năm 1990 của thế kỷ trước. Chủ trương của Đảng và Nhà nước đã hình thành từ rất lâu rồi, song vào thời điểm đó chúng ta chưa thể tận dụng được nguồn lực trong và ngoài nước. Nguyên nhân là do chúng ta vẫn còn đang khắc phục hậu quả chiến tranh và khôi phục nền kinh tế quốc dân trong nước; bên ngoài thì Mỹ bao vây cấm vận chúng ta. Do đó, Việt Nam muốn kích cầu kinh tế bằng việc xây dựng các đặc khu sẽ gặp muôn trùng gian nan. Trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam có thể tận dụng được các nguồn lực trong và ngoài nước, dự thảo luật đặc khu ra đời để tiếp bước chí hướng của cha ông ta từ trước. Vì vậy, mỗi người chúng ta để góp công sức nhỏ bé cho sự phát triển của đất nước, hãy thể hiện lòng yêu nước của mình bằng việc nghiên cứu thật kỹ dự thảo luật đặc khu cũng như những hạn chế về mặt kinh tế mà các đặc khu có thể đem đến để tham mưu lên Chính phủ thiết lập các điều khoản luật thật chặt chẽ. Đây là những việc làm thiết thực nhất có thể giúp Việt Nam phát triển, “sánh vai cùng cường quốc năm châu”!
Lê Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét