6/22/2018

Đừng để bị “xỏ mũi” vì thiếu thông tin!

Hiện nay, nhiều người dân phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng trong khi chưa hiểu rõ cũng như đọc qua nội dung của các luật này hầu như đang bị các tổ chức, thế lực chống đối kích động, xúi giục, gây mất trật tự an toàn xã hội. Do đó, mọi người cần phải nhận diện được các âm mưu, thủ đoạn, ý đồ kích động biểu tình gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội của các tổ chức, thế lực chống đối.  Trong ngày 17/6 vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội. Nhân dịp này, đồng chí Tổng Bí thư đã giải thích với cử tri về các vấn đề xoay quanh dự thảo luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (hay còn gọi là luật đặc khu).

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chia sẻ chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế đã hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước. Chính phủ cũng đã xem xét cẩn trọng các vấn đề liên quan đến dự thảo luật đặc khu để trình lên Quốc hội thông qua. Quốc hội cũng đã tiếp thu, dân chủ và quyết định dừng lại trên cơ sở các ý kiến đã đóng góp, và tiếp tục nghe thêm các ý kiến khác để hoàn thiện dự thảo luật đặc khu trong thời gian tới. Tuy nhiên, dự thảo luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được quyết định dừng từ ngày 08/6/2018 nhưng đến ngày 10/6 vẫn xuất hiện tình trạng biểu tình phản đối luật, chứng tỏ có ý đồ.
Đầu tiên, các thế lực này lợi dụng mạng xã hội Facebook, trang web chia sẻ video như Youtube để tung tin giả, xuyên tạc thông tin liên quan đến dự thảo luật đặc khu và luật an ninh mạng. Với dự thảo luật đặc khu, các thế lực tuyên truyền “Việt Nam cho Trung Quốc thuê đất 99 năm, từ đó Trung Quốc có thể chiếm đất, thâu tóm Việt Nam”, “Việt Nam đưa các vùng căn cứ quốc phòng – an ninh của quốc gia cho người nước ngoài thuê”, “Đặc khu được xây dựng để Đảng rửa tiền phục vụ lợi ích cá nhân, bỏ mặc người dân”... Với luật an ninh mạng, các thế lực này lại tung tin rằng Việt Nam cấm quyền tự do ngôn luận của người dân, xâm phạm quyền riêng tư bằng cách quản lý thông tin cá nhân cũng như không cho người dùng sử dụng, truy cập mạng xã hội như Facebook, Twitter hay truy cập các trang web phổ biến như Google, Youtube từ đó sẽ “mù thông tin” và bị Nhà nước dẫn dắt dư luận.
Các thế lực này lợi dụng sự “thơ ngây”, cả tin của người dân vào các thông tin được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội mà không cần kiểm chứng. Đặc biệt, chúng thường xuyên đăng tải các vấn đề bức xúc trong xã hội để lôi kéo sự chú ý của mọi người cũng như khẳng định đang giúp người dân nói lên bức xúc của họ, để chiếm lấy lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên, đây là chiêu trò của chúng nhằm lồng ghép các nội dung sai sự thật, xuyên tạc thông tin vào các vấn đề tồn tại để kích động, xúi giục, dẫn dắt dư luận phản ứng tiêu cực với bất kỳ một chủ trương, chính sách nào của Đảng và Nhà nước.
Tâm lý của người Việt Nam hiện nay đa phần không tìm hiểu đầy đủ thông tin cũng như nguồn tin cụ thể. Lợi dụng việc này, các thế lực đăng các bài viết “giựt tít” để đánh vào tâm lý tò mò của họ, xuyên tạc các sự kiện theo hướng trái chiều để thu hút độc giả nhưng hầu như tên bài báo “một đằng” thì nội dung bên trong lại “một nẻo” không trùng khớp gì với nhau. Một phần do thời đại thông tin bùng nổ nên người dân thường chỉ đọc tiêu đề báo mà không quan tâm mấy đến nội dung. Chính việc này đã bị các thế lực chống đối lợi dụng để “dắt mũi” dư luận theo ý đồ chính trị xấu xa của mình. Do đó, mọi người cần phải cẩn thận với các “tít báo giựt gân” cũng như tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin để không mắc bẫy của các thế lực này.
Sau khi các thế lực chống đối dẫn luồng dư luận theo ý đồ chính trị của mình, họ sẽ tiến hành khơi gợi “lòng yêu nước”, kích động, xúi giục người dân xuống đường biểu tình, tuần hành phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến giao thông, di chuyển của nhiều nơi. Nhiều người dân cả tin vào các thông tin xuyên tạc sẽ dễ dàng bị các thế lực này kích động thể hiện lòng yêu nước bằng cách biểu tình phản đối chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, họ thực chất chỉ là những con rối đang bị các tổ chức phản động giựt dây từ phía sau. Mọi hoạt động tuần hành, biểu tình gây rối an ninh trật tự sẽ bị các lực lượng chức năng xử lý theo pháp luật và người thiệt thòi chính là những người dân “yêu nước” xuống đường biểu tình. Các tổ chức, chống đối thì vẫn an nhàn hưởng lợi mà không chịu bất kỳ tổn thất nào.
Nhiều người tham gia biểu tình vì được những thế lực này cho tiền từ 200.000đ đến 300.000đ một người. Số tiền này không phải quá nhiều nhưng cũng đủ đảm bảo cho một ngày sinh hoạt của nhiều người song thực chất đây vẫn còn là số lẻ mà chúng được “cung cấp tài chính” để hoạt động. Người dân nhận tiền xuống đường biểu tình còn có thể bị phạt hành chính lên đến mấy triệu đồng, cũng như có thể bị tạm giam vì các hành vi gây rối trật tự. Lòng yêu nước không thể để bị lợi dụng như vậy được.
Ngoài ra, các tổ chức, thế lực phản động trên còn thường xuyên đăng tải các đoạn video chứa nội dung, hình ảnh người dân biểu tình, tuần hành trên mạng xã hội Facebook và trang web Youtube để kêu gọi, tập hợp lực lượng xuống đường. Nhiều người không kiểm tra cẩn thận cũng như muốn thể hiện lòng yêu nước đã bị kích động và kêu gọi nhiều người tham gia phản đối dự thảo luật đặc khu và luật an ninh mạng. Tuy nhiên, các đoạn video này thực chất không phải là hoạt động đang diễn ra tại thời điểm thực tế. Các đoạn video được chia sẻ, phát sóng trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook là các vụ việc đã diễn ra trong quá khứ và không có nội dung liên quan đến phản đối luật do Quốc hội thông qua. Những cuộc tuần hành trong các đoạn video đều là các sự kiện người dân xuống đường để phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014 hoặc người dân cả nước xuống đường ăn mừng chiến thắng của U23 Việt Nam tại giải bóng đá châu Á hồi đầu năm nay. Do đó, mọi người cần phải tỉnh táo trước thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội kêu gọi biểu tình để lòng yêu nước của bản thân không bị các thế lực xấu lợi dụng.
Sau khi đã thành công trong việc kêu gọi, xúi giục hay cho tiền để người dân xuống đường biểu tình, các thế lực chống đối còn cho tiền các đối tượng hình sự, ma túy, tiền án, tiền sự, con bạc, con nợ, nghiện rượu để những người này kích động người dân biểu tình, có các hành động quá khích gây mất an ninh trật tự. Vụ việc ngày 10/6 và 11/6 tại tỉnh Bình Thuận là minh chứng cho việc này. Lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 200 đối tượng gây bạo loạn và số đối tượng này đều khai nhận tiền từ các cá nhân có ý đồ xấu cho tiền mua chuộc để kích động biểu tình và có các hành vi quá khích. Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã ra quyết định khởi tố bị ca, bắt tạm giam 07 đối tượng là nghi can trong vụ tụ tập gây rối tại Bình Thuận. Các thế lực chống đối kích động bên ngoài để người dân xuống đường, trục lợi cho bản thân, gây rối an ninh trật tự và phát triển của đất nước trong khi đó không quan tâm gì đến hệ lụy và số phận của những người dân từng xuống đường biểu tình theo “lời kêu gọi” của họ. Em Lê Trần Thanh Nguyên (15 tuổi, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết) đã bị một người phụ nữ dùng tiền dụ dỗ, lôi kéo vào việc tham gia ném đá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận vào đêm 10/6. Nguyên kể: “Bà ấy móc 300.000 đồng ra và nói xíu nữa có một tốp người qua, người ta làm sao thì con làm theo như vậy. Bà đưa con 300.000 đồng. Rồi lúc đó bà còn dặn thêm là nếu có lỡ bị bắt thì không được khai liên quan tới bà, nếu không sẽ ảnh hưởng hết tất cả gia đình”. Hãy để tinh thần bất diệt của người dân Việt không bị vấy đục bởi những đối tượng xấu như thế này. Mọi người hãy thật sáng suốt!

Đáng chú ý, các thế lực chống đối hiện nay đang sử dụng chiêu trò giả danh lực lượng công an, nhất là cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động trà trộn vào nhóm người đang biểu tình, tuần hành hoặc nơi đông người. Những người này cố tình mặc các bộ quần áo của công an nhằm tấn công người biểu tình, có các hành vi quá khích hoặc lên tiếng ủng hộ biểu tình để chia rẻ khối đoàn kết giữa quân và dân, bôi nhọ danh dự, uy tín của lực lượng công an nhân dân. Trong hai ngày 16 và 17/8 vừa qua, công an các tỉnh, thành phố đã bắt giữ nhiều đối tượng giả danh công an tại các nơi tụ tập đông người. Theo đó, công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt được đối tượng tên Nguyễn Hồng Thái (23 tuổi, admin trang facebook “Đô thành Sài Gòn”) giả mạo cảnh sát, hay công an tỉnh Bình Dương bắt được hai đối tượng giả danh cảnh sát cơ động. Đây là hình thức mới mà các đối tượng, tổ chức, thế lực chống đối sử dụng trong thời gian gần đây nhằm chia rẻ tình đoàn kết giữa lực lượng công an với nhân dân cũng như bôi nhọ, làm giảm uy tín, danh dự của lực lượng công an nhân dân. Vì vậy, mọi người cần phải cảnh giác, nếu phát hiện nghi vấn các đối tượng này, thì nên báo ngay cho lực lượng chức năng gần nhất để kịp thời xử lý, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Nhìn chung, các thế lực trên có thể kích động, xúi giục người dân xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối luật an ninh mạng và dự thảo luật đặc khu một phần là do họ cung cấp tiền để người dân đi biểu tình, phần còn lại là do người dân chưa nắm kỹ lưỡng thông tin liên quan đến hai luật này. Trong khi đó, các tổ chức này lan truyền, xuyên tạc thông tin một cách thường xuyên trên mạng xã hội Facebook làm cho người dân khó có thể tiếp cận được với nguồn tin chính xác, chính thống của Nhà nước. Do đó, mọi người cần phải kiểm chứng và tìm hiểu thông tin thật cẩn thận trước những gì được đăng tải, chia sẻ trên Facebook. Hãy thật bình tĩnh trước những thông tin trái chiều và hãy tìm hiểu thông tin chính xác, đừng để bản thân bị “xỏ mũi” bởi những thế lực giựt dây từ xa!
Quang Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét