Rất nhiều facebooker nổi tiếng đang thi nhau chửi bới, thoá mạ người đứng đầu Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng quanh một câu nói của ông:
-Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Họ bảo, khi CHÍNH QUYỀN sai thì chỉ phải NHẬN LỖI, còn DÂN sai thì phải CHỊU TRÁCH NHIỆM TRƯỚC PHÁP LUẬT là một điều rất nực cười, và từ sự nực cười ấy mà không ngại ví ông Mai Tiến Dũng với...con nọ, con kia. Dĩ nhiên, tất cả những "con" ấy đều là động vật, và không phải động vật bậc cao.
Khi ông Dũng bảo "chính quyền nhận lỗi" thì có phần chắc là ông đã hàm ý tới việc cái lỗi ấy rồi sẽ bị xử lý. Bởi đấy là nguyên tắc vận hành chung của một chính quyền cụ thể, nằm trong một chính Đảng cụ thể, với những người đứng đầu cụ thể. Chẳng có một chính quyền hoặc chính Đảng nào lại ngu dốt tới độ đứng trước bàn dân thiên hạ rồi bảo: "Chúng tôi sai. Chúng tôi xin lỗi người dân rồi...chấm hết". Xin nhấn mạnh lại: đấy là vấn đề nguyên tắc. Còn trên thực tế, cái lỗi (nếu có) có bị xử lý hay không là một câu chuyện khác.
Cá nhân tôi tin là phần lớn những người chỉ trích ông Dũng đều ít nhiều hiểu cái nguyên tắc ấy. Họ cũng sẽ hiểu một người cỡ ông Dũng không dại gì đứng trước ống kính báo chí để nói những cái sai nguyên tắc cả. Nhưng dường như họ đã gạt qua tất cả những điều ấy để chỉ bắt bẻ câu chữ, rồi thoá mạ ông vô tội vạ.
Kinh khủng hơn là rất nhiều người sau đó hùa theo. Nếu đấy là những anh hùng bàn phím vốn tràn lan trong thời đại thông tin này thì thôi chẳng nói. Nếu đấy là những bạn trẻ vốn có thói quen suy nghĩ theo cách suy nghĩ của đám đông thì cũng thôi, khỏi nói. Vấn đề là có cả những bậc lão phu, từng đọc thiên kinh vạn quyển, luôn đứng trước thiên hạ để khẳng định mình nắm rõ mọi ngóc nhách giáo lý nhà Phật cũng hùa theo y như thế.
Tôi đồ rằng, có những người hùa theo vì quả đúng là họ bức xúc thật - cái bức xúc bị "giật dây" bởi một đám đông càng ngày càng có sở thích kết án người khác không qua điều tra, nhưng cũng có không ít những facebooker phải hùa theo, phải cố chửi thêm một tiếng - mà phải chửi cho ngoa ngoắt, khác người đơn giản là để...câu like. Bởi cái like bây giờ là cái like ra tiền - cái like mà nhờ nó họ có thể được các doanh nghiệp lớn trả cả trăm, cả ngàn USD cho một phi vụ quảng cáo trên Facebook của mình.
Điều gì sẽ xảy ra nếu những đứa trẻ cứ lớn lên với một môi trường mạng đặc sệt hội chứng đám đông và kỹ nghệ chửi hùa như thế này? Chúng rồi sẽ nghiễm nhiên tin những cái đám đông nói "đúng" là đúng thật. Chúng rồi sẽ nghiễm nhiên nghĩ những cái "tưởng là đúng" quả nhiên đúng thật. Và như thế, chúng sẽ không còn một tí tẹo nào cái khả năng TƯ DUY ĐỘC LẬP - điều tối cần thiết để sống trong một thế giới đa diện, đa sắc như bây giờ.
Lâu nay nhiều nhà trí thức không ngừng lên facebook chửi bới nền giáo dục hủ lậu của chúng ta không thể giúp những đứa trẻ có thể tư duy độc lập. Thì đúng là nền giáo dục này hủ lậu thật, nhưng bên cạnh đó, chính một bộ phận không nhỏ những nhà trí thức ấy cũng vô tình (hay cố ý?) xây thêm một bức tường rào trong cái kinh thành hủ lậu bằng thói quen chửi bới vô tội vạ - chửi bới cho sướng mồm sướng miệng - chửi bới để câu like, câu veiw của mình.
Đừng trách người đứng đầu Văn phòng Chính phủ với một câu nói có thể là buột miệng (nên thiếu kín kẽ) của ông ta, mà hãy lưu tâm nhiều hơn đến những người phải tìm cách "ăn theo" câu nói đó, chửi hùa câu nói đó để mà .... nâng cao giá trị của mình.
Hoặc ít nhất là của cái facebook nhà mình!/
(PHAN ĐĂNG)
(PHAN ĐĂNG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét