Cụm từ này quen thuộc đến độ tôi không cần phải cắt nghĩa hay chú giải nữa. Thân làm cán bộ lãnh đạo phải hiểu giá trị của lời nói, giá trị của phát ngôn bên cạnh phong thái, khí chất.
Cũng không hiểu sao dạo này có nhiều phát ngôn của các vị quan chức lại vô trách nhiệm đến vậy, các vị phát ngôn mà không cần quan tâm đến cảm xúc của nhân dân, không cần quan tâm đến chuyện nhân dân sẽ nghĩ gì, nhân dân sẽ phản ứng ra sao. Những phát ngôn cứ như lực đẩy, như nhát cuốc khoét sâu thêm khoảng cách giữa quan chức và nhân dân. |
Xin nói thẳng là phát ngôn chính là điều dễ nhất rồi mà còn phát ngôn không xong nữa thì gieo niềm tin, tạo cảm xúc tích cực cho nhân dân bằng cách nào.
1. Thôi thì không bàn lời của ông Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nữa, bởi tôi không tài nào hiểu được ông này nghĩ gì khi phát biểu: “Kê khai không trung thực là có biểu hiện gian dối. Còn trường hợp ông Quý là kê khai chưa đầy đủ, kê khai thiếu”, ông Cục trưởng phát biểu vậy khi được truyền thông hỏi về việc thanh tra tài sản của ông Phạm Sỹ Quý – nhân vật chính của cơn bão truyền thông trong việc xây biệt phủ trên đất lâm nghiệp đã chuyển đổi thành đất ở tại Yên Bái khi ông này vẫn đang đương chức Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh này.
Kê khai chưa đầy đủ, kê khai thiếu chính là kê khai không trung thực chứ còn gì nữa mà bàn cãi. Nguyên tắc kê khai tài sản của cán bộ luôn được quy định hết sức chặt chẽ, nay lại nảy sinh cụm từ mới là “kê khai chưa đầy đủ”, “kê khai thiếu” là làm sao? Tài sản nhiều đến mức không nhớ hết khi kê khai hay sao?
Trong lúc ai cũng biết đã là người thì làm sao không biết mình đang có cái gì được, ví như tiền trong túi có thể áng chừng không chính xác, nhưng xe máy trong nhà bao nhiêu chiếc chắc chắn biết, trong nhà có bao nhiêu bộ bàn ghế trị giá bao nhiêu tiền chắc chắn biết, sở hữu bao nhiêu cái nhà bao nhiêu lô đất chắc chắn biết… vì đó là tài sản tích lũy.
Nay đến tài sản tích lũy còn kê khai thiếu, kê khai chưa đầy đủ thì không biết phải lý giải phát biểu của ông Cục trưởng Cục Chống tham nhũng ra sao nữa.
Thế cho nên mới thấy phát biểu của ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, tại buổi cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội chính xác như thế nào: “Chúng ta đi thanh tra, kiểm tra ở đâu cũng quân hùng tướng mạnh, có ôtô, còi hú nhưng có hiệu quả bằng một bài báo, một phóng viên không? Ta phải so sánh như thế về tính hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng”.
taydo24h.com
2. Mấy hôm nay dư luận lại sục sôi với phát ngôn của lãnh đạo Bộ Y tế về lô thuốc đặc trị ung thư giả của Công ty VN Pharma, rồi phát ngôn tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo của lãnh đạo Bộ Tài chính…
Quá khó để tin rằng đây là những phát ngôn của các vị quyền cao chức trọng, nhưng đáng tiếc biết mấy đây lại là sự thật.
Một vụ việc nghiêm trọng như vụ việc của VN Pharma mà hết lãnh đạo này đến lãnh đạo kia của Bộ Y tế cứ khăng khăng: “Là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả”.
Thuốc được chính Bộ Y tế kết luận là: “Không được sử dụng điều trị cho người”, công ty sản xuất thì không có địa chỉ cụ thể… vậy mà vẫn kém chất lượng, kém là kém cái gì. Nguyên tắc lớn nhất để khẳng định thuốc thật hay thuốc giả chính là nơi sản xuất ở đâu, công ty sản xuất có được thừa nhận hay không, có đủ giấy phép hoạt động dựa trên các tiêu chuẩn khắt khe hay không… Nếu không có những thứ này thì là thuốc giả, luật quy định rất rõ ràng rồi. Vậy mà vẫn cứ cố cãi, cãi mãi. Ngay cả đến lúc Thanh tra Chính phủ chuẩn bị vào cuộc vẫn cứ cố “là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả”.
Bây giờ thì thuốc kém chất lượng hay thuốc giả đã không còn nằm trong phạm vi của Bộ Y tế nữa rồi.
Ông Trần Hùng – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phát biểu: “Ngay từ khi kinh doanh loại thuốc này, Công ty VN Pharma đã có ý định không trung thực. Họ nại ra cái tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc.
Như vậy, họ đã cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì có chỉ dẫn giả mạo nơi sản xuất, đóng gói, vi phạm theo điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nói ngắn gọn H-Capita là hàng giả, thuốc giả và cần được xử lý đúng tội danh buôn bán hàng giả và yếu tố nghiêm trọng đó là thuốc chữa bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Đây là tội ác”.
Còn việc tăng thuế, tăng thuế nào lại không ảnh hưởng đến toàn dân, tăng thuế thì nguyên liệu đầu ra đầu vào nào không phải đội giá, mà đội giá tất sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng là nhân dân chứ còn ai vào đây, từ mớ rau con cá cho đến thu nhập, tích lũy. Biết chuyện tăng thuế là chuyện đặng chẳng đừng, nhưng cũng phải lựa lời mà nói cho hợp lý chứ nhẽ đâu lại xem dân như vô trí vô tri mà phát ngôn như vậy.
Đó là còn chưa kể đến các chuyên gia kinh tế, các trí thức với tiếng nói phản biện của họ được truyền thông chuyển tải đến cho người dân nữa.
3. Cuối cùng, có lẽ là các quan chức nên nghiêm túc suy nghĩ lại những phát ngôn của mình, nếu có thể thì cán bộ lãnh đạo nhìn vào phản ứng của nhân dân với các phát ngôn trước đó mà răn mình, mà tu sửa. Muốn có sự đồng thuận thì phải tôn trọng cảm xúc của nhân dân, muốn có sự đoàn kết thì nói năng phải lựa lời, chứ đâu thể vin vào vị trí cương vị của mình rồi muốn nói gì thì nói.
Nói phải củ cải cũng nghe, không phải là như vậy hay sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét